Nam tiếp viên hàng không hé lộ mức lương, điều đặc biệt chỉ nghề này mới có

Darkrose
Nam tiếp viên hàng không hé lộ mức lương, điều đặc biệt chỉ nghề này mới có

Khi trò chuyện với phóng viên Dân trí, Hoàng Minh Quý (SN 1996, Thanh Hóa) đang ở thành phố Perth, bang Tây Úc. Trong tháng 5, chàng trai đã đặt chân đến các thành phố Osaka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc) và giờ thảnh thơi ngồi ăn sáng tại xứ sở chuột túi.

Minh Quý hiện là tiếp viên trưởng tại Hãng hàng không Vietjet Air. Trong những chuyến bay, anh thường được hành khách nhận ra nhờ các video hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội xoay quanh công việc của mình.

Chàng tiếp viên hàng không tiết lộ những bí mật bất ngờ trên máy bay (Biên dựng: Thu Thảo).

3 tháng ròng rã huấn luyện, ngoại hình không trau chuốt là rớt

Minh Quý có chuyến bay đầu tiên trong đời vào năm lớp 11, khi được vào TPHCM chơi hè. Trước lúc lên máy bay, anh chỉ nghĩ mình sẽ thích cảm giác vi vu trên bầu trời.

Đến khi thấy các tiếp viên hàng không xuất hiện trong trang phục chỉn chu, phong cách phục vụ tận tình và luôn nở nụ cười với hành khách, Quý rất ấn tượng. Từ giây phút đó, anh nuôi ý định trở thành tiếp viên hàng không.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quý tiếp tục con đường học tập, trở thành sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM. Dù vậy, giấc mơ bay chưa bao giờ tắt trong anh.

Có lần, Quý nằng nặc đòi nghỉ ngang đại học để thi tuyển tiếp viên hàng không. Thấy con trai nôn nóng, mẹ của Quý hứa rằng, chỉ cần tốt nghiệp đại học, tương lai do anh toàn quyền quyết định. Nếu ngày ấy cãi lời mẹ, Quý có lẽ đã không có tấm bằng cử nhân nào trong tay.

Gần hết năm cuối đại học, Minh Quý nộp hồ sơ thi tuyển tiếp viên hàng không vì không thể chờ đợi thêm. Anh dành ra 1,5 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngoại hình tới khả năng giao tiếp, thi chứng chỉ tiếng Anh. Không một ngày nào chàng trai không ngồi lẩm nhẩm những câu hỏi mình tự nghĩ ra và tập trả lời.

Đến ngày thi, Quý hoàn thành khá tốt 5 vòng gồm catwalk (trình diễn trên đường băng), năng khiếu, phỏng vấn hội đồng, thi tiếng Anh và khám sức khỏe. Từ khi ra về, anh luôn trong trạng thái hồi hộp, không một giây phút nào rời khỏi chiếc điện thoại để chờ đợi một cuộc gọi.

Cuối cùng, sau 5 ngày ăn không ngon, ngủ không yên giấc, Quý nhận được thư thông báo trúng tuyển. Trong niềm hạnh phúc tột cùng, anh gọi ngay cho mẹ để chia sẻ tin vui.

Ngày tốt nghiệp đại học cũng chính là lúc Quý tham gia khóa đào tạo tiếp viên hàng không. Đến thời điểm này, không còn điều gì có thể ngăn cản anh biến giấc mơ bay thành sự thật.

Quý may mắn có sự ủng hộ của gia đình ngay từ đầu. Không chỉ là chỗ dựa tinh thần, chị gái cho Quý 30 triệu đồng để mổ mắt, còn mẹ tài trợ tiền học phí 60 triệu đồng. Sau này, khi có những tháng lương đầu tiên, anh đã trả hết cho người thân, dù họ không cần lấy lại.

Nhưng giai đoạn khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu. Quý bước vào kỳ huấn luyện nghiêm ngặt ròng rã 3 tháng trời. Trong đó, suốt 2,5 tháng anh chỉ học về lý thuyết, mười mấy môn không được rớt môn nào thì mới được đi thực tập trên chuyến bay thực tế trong nửa tháng còn lại.

Mỗi ngày, Quý ngủ nhiều nhất được 5 tiếng, còn lại đều ôm sách vở quay cuồng học, thi. Mệt mỏi là thế nhưng anh không được bỏ bê bản thân, bước chân ra ngoài là phải trau chuốt để vượt qua lớp đánh giá ngoại hình.

Trải qua kỳ huấn luyện, Quý thấy bản thân trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn. Anh sẵn sàng đối diện mọi thử thách vì những gì "khó nhằn" nhất đã ở lại phía sau.

Thu nhập cao đi kèm sự đánh đổi

Sau khi bay khoảng 1,5 năm, Minh Quý đăng ký kỳ thi nâng bậc lên tiếp viên trưởng và được công ty tin tưởng trao cho chức danh này.

Nhưng thăng tiến chưa bao lâu, Quý rơi vào tình cảnh lao đao vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giống như đồng nghiệp trong ngành, anh có những lúc le lói tia hy vọng hết dịch được đi bay trở lại, khi lại thất vọng tới tận cùng vì thời gian chờ đợi quá lâu.

Nếu không nhờ khoản tiền phụ cấp, mớ rau, túi thịt đến bịch thuốc... và sự quan tâm từ công ty, Quý có lẽ đã phải bỏ nghề. Lần đầu được đi bay trở lại, cả tổ bay đều rưng rưng xúc động. Những năm tháng không quên giúp họ thêm yêu quý công việc và trân trọng từng khoảnh khắc được bay trên bầu trời.

Trong hơn 5 năm gắn bó với nghề, Minh Quý nhiều lần được hỏi tiếp viên hàng không có phải được trả lương cao, vi vu khắp nơi miễn phí, diện mạo lúc nào cũng chỉn chu… và anh chưa từng phủ nhận.

"Thu nhập của một tiếp viên hàng không mới vào ngành có thể là 2x. Tùy theo thâm niên hoặc chức vụ con số có thể lên tới 3x-4x, thậm chí cao hơn nên nhiều bạn giờ là kinh tế chính của gia đình", chàng trai tiết lộ.

Theo Quý, mỗi ngành nghề đều có những điều thú vị riêng nhưng có vài điểm khác biệt ở nghề tiếp viên hàng không như: Thời gian ở khách sạn có khi nhiều hơn ở nhà, mỗi ngày sẽ làm việc với một tổ bay khác nhau, tiếp xúc với 1.000 khách mỗi ngày là điều bình thường hay "siêu năng lực" đặt lưng xuống là ngủ...

"Song song với những đãi ngộ hấp dẫn, nghề tiếp viên hàng không cũng cần chúng tôi đánh đổi một số điều như: Dịp lễ Tết ít khi được nghỉ vì đây là khoảng thời gian chuyến bay tăng cường do nhu cầu đi du lịch cao, muốn đi chơi thường sẽ phải đi vào ngày thường. Có những đợt Tết, chúng tôi không về nhà ăn bánh chưng mà lại phải dạo phố ở Hàn, ăn cơm cuộn kimbap", chàng trai kể.

Cùng với đó, với tiếp viên hàng không như Quý, đi từ 3h sáng, về nhà lúc đêm khuya là chuyện bình thường. Nhưng đổi lại, họ sẽ có thời gian nghỉ ngơi được đảm bảo để nạp năng lượng cho những chuyến bay tiếp theo.

Với đặc thù nghề suốt ngày nay đây mai đó, tiếp viên hàng không được cho là khó có người yêu. Trước suy nghĩ này, Quý vui vẻ cho biết: "Chúng tôi hay phải di chuyển khắp nơi nhưng một tháng cũng được nghỉ cả 7-10 ngày, có khi nhiều hơn nhân viên văn phòng thì sao mà khó có người yêu được?".

Chia sẻ về gu người yêu lý tưởng, chàng tiếp viên trưởng cho hay, đó là người biết thông cảm, lắng nghe, hiểu cho công việc và không ngại đợi anh sau những chuyến bay dài.

Vui vì đi bay luôn có người nhận ra

Giống nhiều bạn trẻ khi lập kênh TikTok, Minh Quý chỉ có ý định lướt xem video của người khác. Nhưng anh chợt nhận ra, có khá ít người làm nội dung về ngành hàng không.

"Ngày nay, máy bay đã dần trở nên quen thuộc nhưng vẫn còn mới lạ với nhiều người. Đây lại là phạm trù mình hiểu biết, tại sao không biến thành các video sinh động để nhiều người chưa từng đi máy bay cũng có cơ hội hiểu, đồng thời chia sẻ kiến thức tới những ai từng đi để họ trở thành hành khách thông thái hơn?".

Suy nghĩ này đã thôi thúc Quý sản xuất hàng loạt video để chia sẻ về những điều hành khách dễ hiểu nhầm khi đi máy bay, giải đáp các câu hỏi từ cộng đồng mạng, bật mí kiến thức về an toàn hàng không mà ít người biết…

Nam tiếp viên hàng không hé lộ mức lương, điều đặc biệt chỉ nghề này mới có - 8

Trở thành tiếp viên hàng không khiến cuộc sống của Minh Quý luôn có những trải nghiệm thú vị.

Nội dung thú vị, thiết thực cùng với cách dẫn chuyện gần gũi, nhiều năng lượng khiến tài khoản của anh thu hút gần 500.000 lượt theo dõi.

Không cần "đao to búa lớn", video cán mốc triệu view (lượt xem) đầu tiên của Quý nói về những bí mật ít người biết trên máy bay. Ví dụ, hành khách tiếp xúc hàng ngày nhưng họ lại không hề để ý tới một bậc thang nhỏ dưới ghế để đứng lên lấy hành lý hay phía sau ghế ngồi của tiếp viên là cả một nhà vệ sinh...

Sở hữu nhiều video triệu view nhưng Quý bất ngờ tiết lộ về ê-kíp "hùng hậu" đứng sau gồm: "Hoàng Minh Quý, Jutin Only, chàng trai đi du lịch miễn phí vòng quanh thế giới" - tất cả đều là một người.

"Đi bay giờ nhiều hành khách nhận ra cũng vui, từ mấy bạn nhỏ lớp 1-2 lên xin chụp ảnh chung tới các cô chú lớn tuổi cũng xem video của tôi, có người lên bắt tay, có người thơm má. Tôi rất cảm động vì không nghĩ mình được yêu quý tới vậy", chàng trai vui vẻ nói.

Không cần kể tới thu nhập cao hay "đặc quyền" đi du lịch miễn phí, sự yêu mến từ cộng đồng là động lực lớn để Minh Quý tiếp tục làm "người kể chuyện trên mây", đưa giấc mơ của chàng trai 17 tuổi ngày nào càng bay cao hơn nữa.

Tuyết Linh

Ảnh: NVCC