Spotify và những chuyện chưa kể

Darkrose

Người yêu âm nhạc trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam giờ đây đã trở nên vô cùng quen thuộc với ứng dụng Spotify cho phép mọi thành viên đăng ký đều có thể nghe nhạc miễn phí một cách hợp pháp với chất lượng âm thanh và trải nghiệm vô cùng mượt mà. Những người trả phí theo tháng hoặc năm còn có quyền tải 33,333 tác phẩm âm nhạc, podcast về thiết bị của mình để nghe mọi nơi, mọi lúc, kể cả khi không có kết nối internet.

Spotify ngày nay có hơn 40 triệu bài hát, hơn một triệu podcast và phủ sóng hơn 90 quốc gia cùng lượng người sử dụng đạt 350 triệu vào năm 2021. Hơn một nửa lượng người sử dụng Spotify bây giờ đang trả tiền để được nghe nhạc không chèn quảng cáo, khiến cho nền tảng này trở thành nguồn doanh thu quan trọng của ngành âm nhạc với hàng tỉ đô la mỗi năm; cứu các công ty thu âm thoát khỏi vấn nạn sao chép lậu và quay lại thời kỳ tăng trưởng.

Cuốn sách kể lại chi tiết hành trình của Daniel Ek và Martin Lorentzon - những người sáng lập Spotify. ảnh 1

Cuốn sách kể lại chi tiết hành trình của Daniel Ek và Martin Lorentzon - những người sáng lập Spotify.

Đâu đó trên không gian mạng, những người quan tâm đến Spotify có thể tìm kiếm một số thông tin hấp dẫn về doanh nghiệp có hành trình phát triển ngoạn mục này. Tuy nhiên viết về chủ đề này một cách đầy đủ và hấp dẫn nhất tính đến thời điểm hiện tại phải kể đến cuốn sách “Spotify và những chuyện chưa kể” của bộ đôi nhà báo Thụy Điển Sven Carlsson và Jonas Leijonhufvud.

Được đánh giá là “hấp dẫn như kịch bản một bộ phim điện ảnh”, cuốn sách kể lại chi tiết hành trình của Daniel Ek và Martin Lorentzon - những người sáng lập Spotify - đã sử dụng công nghệ và sự kiên trì, bền bỉ của mình để làm thay đổi thế giới kinh doanh âm nhạc và cách thưởng thức âm nhạc, podcast của thính giả trên toàn thế giới.

Daniel Ek và Martin Lorentzon bắt tay xây dựng Spotify vào năm 2006, khi bản thân mỗi người đều đã là những triệu phú công nghệ tại Stockhom. Mặc dù không bị khó khăn về mặt tài chính, nhưng thách thức mà họ phải đối mặt cũng cam go không kém nhiều công ty khởi nghiệp khác.

Tại thời điểm đó, Apple vẫn đang tự hào nắm giữ nền tảng phát hành nhạc kỹ thuật số lớn nhất thế giới với cửa hàng trực tuyến iTunes và máy nghe nhạc Ipod. Mô hình iTunes với mỗi lượt tải có giá 99 xu, hoạt động trên tất cả các thiết bị của Apple, máy tính và nhận được sự hậu thuẫn vững chắc từ năm công ty thu âm lớn nhất trên thế giới như Universal Music, Warner, Sony...

Theo tiết lộ của hai tác giả, bất chấp sự suy yếu về mặt sức khỏe, trong nhiều năm trời, Steve Jobs đã luôn nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của iTunes, đồng thời không ngần ngại nói xấu Spotify, ngăn chặn sự hợp tác của các công ty thu âm với họ.

Đối thủ của Spotify còn có Google, Amazon. Bởi “ông lớn” nào cũng muốn hướng đến và thu lợi từ thị trường nhiều tiềm năng, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt cho doanh nghiệp này.

Chính thức ra mắt tại Thụy Điển vào năm 2008, sau đó Spotify mở rộng sang thị trường châu Âu, thu hút được 7 triệu người sử dụng tính đến cuối năm 2010. Tuy nhiên, việc ra mắt của Spotify tại Hoa Kỳ liên tục bị trì hoãn, trong khi đây là một thị trường cực kỳ quan trọng, cần phải được chinh phục trong kế hoạch phát triển của công ty. Các nhà đầu tư cũng như toàn bộ nhân viên công ty vô cùng lo lắng, bởi sự chậm chạp này khiến Spotify có thể đối mặt với tăng trưởng âm về số người đăng ký sử dụng và tất cả có thể sụp đổ.

Chìa khóa để Spotify tháo gỡ thách thức này là sự bền bỉ, kiên trì cùng những sách lược đàm phán khôn ngoan của Daniel Ek trong việc tiếp cận, thuyết phục các hãng thu âm. Cuối cùng năm hãng thu âm, mở đầu là Universal Music đã cung cấp các hợp đồng bản quyền cho Spotify với nhiều lợi ích nghiêng về họ, để trong bất kỳ trường hợp nào họ cũng là những “người nắm đằng chuôi”. Mất 3 năm, cuối cùng Spotify cũng có thể có mặt tại Mỹ vào năm 2011.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến Sean Parker, Mark Zukerberg… cùng nhiều người có ảnh hưởng khác - là những người bạn của Daniel Ek và Martin Lorentzon - đã hỗ trợ, thúc đẩy Spotify trên hành trình phát triển bất chấp sự đối chọi từ nhiều phía, kể cả từ một số nghệ sĩ nổi tiếng như Taylor Swiff…

Về khía cạnh người dùng, Spotify không ngừng sử dụng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), trí thông minh nhân tạo (AI), học máy (machine learning) để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút ngày càng nhiều người dùng ứng dụng, cũng như khiến họ sẵn sàng bỏ hầu bao trả phí, để được phục vụ tốt hơn.

Spotify cũng từng có thời gian đầu tư vào dịch vụ video nhưng không thành công. Trong khi đó, sự đột phá của công ty ở mảng podcast được ghi nhận vào năm 2015.

Tháng 4/2018, Spotify chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Thương vụ thành công giúp công ty đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp có giá trị hàng chục tỉ đô la. Daniel Ek - người sở hữu 9,2% cổ phần - trở thành tỷ phú ở tuổi 35. Người đồng sáng lập công ty cùng anh Martin Lorentzon cũng như tất cả các nhân viên góp công phát triển công ty thuở ban đầu, có thêm khoản tiền lớn trong tài khoản.

Daniel Ek và Martin Lorentzon bắt tay xây dựng Spotify vào năm 2006, khi bản thân mỗi người đều đã là những triệu phú công nghệ tại Stockhom. ảnh 2Daniel Ek và Martin Lorentzon bắt tay xây dựng Spotify vào năm 2006, khi bản thân mỗi người đều đã là những triệu phú công nghệ tại Stockhom.

“Spotify và những chuyện chưa kể” vì vậy là một câu chuyện đầy cảm hứng về những con người có ước mơ vĩ đại với niềm tin vững chắc, ý chí lớn lao đã thách thức ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất trên toàn cầu và thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc mãi mãi.

Sự thay đổi, biến hóa của Daniel Ek từ một anh chàng theo ngành công nghệ xuề xòa, vụng về trở thành Giám đốc điều hành chín chắn, có sức hút của một trong những công ty lớn nhất thế giới về âm nhạc với những chiến lược phát triển kinh doanh khôn ngoan, cũng là câu chuyện mang lại nhiều bài học quý giá dành cho những người đam mê kinh doanh, khởi nghiệp. Thêm vào đó, đức tính khiêm tốn, không ngừng học hỏi từ những người xung quanh, khiến nhiều người tin rằng Daniel Ek có đủ năng lực để dẫn dắt Spotify có thể tiếp tục tiến bước trong một thị trường công nghệ luôn cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Đầy ắp thông tin có tính thời sự, ngay từ khi ra mắt cuốn sách “Spotify và những câu chuyện chưa kể” đã lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Đây cũng chính là lý khiến Netflix đã quyết định mua lại và chuẩn bị chuyển thể cuốn sách thành phim.

Để viết nên cuốn sách “Spotify và những câu chuyện chưa kể”, hai tác giả đã gặp cũng như phỏng vấn Daniel Ek cùng người đồng sáng lập Spotify Martin Lorentzon nhiều lần trong những năm qua. Họ cũng tham khảo rất nhiều tài liệu cả công khai lẫn bí mật, phỏng vấn hơn 80 người đã từng là quản lý cấp cao, làm việc hoặc là người đầu tư, đối tác; thậm chí đối thủ cạnh tranh của Spotify.