Có nên tẩy nốt ruồi tại nhà? Cách tẩy nốt ruồi AN TOÀN và lưu ý cần biết

Darkrose

Nốt ruồi là những đốm xuất hiện trên da, thường có màu đen, nâu hoặc đỏ. Cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu cách tẩy nốt ruồi an toàn và những điều cần lưu ý qua bài viết dưới đây nhé!

1Có nên tẩy nốt ruồi tại nhà không?

Nốt ruồi là sự tăng sinh quá mức và tích thành cụm của các tế bào hắc sắc tố trong da. ‏‏Hầu hết trong các trường hợp nốt ruồi thường không đáng lo ngại cho sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nốt ruồi ác tính, đây là trường hợp cần được kiểm tra bởi bác sĩ da liễu có chuyên môn cao và không được tự ý tẩy xóa.

Các dấu hiệu nhận biết nốt ruồi bình thường và không đáng lo ngại cho sức khỏe:

  • Màu sắc: Thường là màu nâu nhưng cũng có thể là màu đen, đỏ, hồng, xanh dương, màu da hoặc không màu.
  • Hình dạng: Thường có hình tròn.
  • Nốt ruồi có thể bằng hoặc hơi nhô lên so với bề mặt da.
  • Không thay đổi hay thay đổi rất chậm theo thời gian và thậm chí có thể biến mất.
  • Có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể như lòng bàn tay, da đầu, lòng bàn chân, kẽ ngón hay thậm chí dưới móng.

Bạn không nên nên tự mình tẩy nốt ruồi tại nhà vì:

  • Rất nguy hiểm nếu nốt ruồi là tình trạng bệnh lý hoặc là ung thư da.
  • Nguy cơ để lại sẹo cao.
  • Dễ gây nhiễm trùng.
  • Chảy máu, có thể gây nguy hiểm nếu không biết cầm máu đúng cách.

Nốt ruồi thường không đáng lo ngại cho sức khỏe, tuy nhiên bạn không nên tự ý tẩy nốt ruồi tại nhà

2Cách tẩy nốt ruồi tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên

Có nhiều cách tẩy nốt ruồi tại nhà được truyền tai nhau như sử dụng mật ong, tỏi, tinh dầu, nước ép hành tây, chuối,… Thế nhưng một điều bạn cần lưu ý rằng chưa có kết luận khoa học nào đảm bảo tính an toàn cho các phương pháp này.

Một số phương pháp tẩy nốt ruồi bằng các nguyên liệu tự nhiên mà bạn có thể tham khảo:

  • Đắp tỏi tươi lên vùng da có nốt ruồi cần tẩy.
  • Đắp vỏ chuối tươi trực tiếp lên vị trí nốt ruồi.
  • Sử dụng tinh dầu tràm trà.
  • Trộn hỗn hợp bột nở (baking powder) cùng dầu thầu dầu và thoa lên nốt ruồi.

Sử dụng tỏi là một trong những cách tẩy nốt ruồi tại nhà

3Các lưu ý khi tẩy nốt ruồi tại nhà

  • Dùng thuốc bôi: chỉ sử dụng các loại thuốc bôi sau khi vết thương đã lành và tuân theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc lên vết thương hở.
  • Chú ý về chế độ ăn: dân gian thường truyền tai kiêng ăn thịt bò, thịt gà, rau muống, đồ nếp, hải sản,… sau khi tẩy xóa nốt ruồi để tránh gây ra sẹo lồi ở vết thương. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng, tuy nhiên bạn có thể hạn chế ăn các thức ăn này để tránh khả năng làm tăng cảm giác ngứa, khó chịu tại vết thương sau khi ăn.
  • Hạn chế đụng chạm vào vết thương: Nên bảo vệ kỹ vết thương, tránh gãi, chà xát, đụng chạm mạnh vào vì tay thường chứa nhiều vi sinh vật có thể gây nhiễm trùng cho vết thương, nhất là trong giai đoạn lên da non gây ngứa.
  • Tránh nắng, mỹ phẩm: nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, dùng mỹ phẩm ít nhất cho đến khi vết thương lành hẳn.

Cần lưu ý chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi, đây là việc làm rất quan trọng

4Cách tẩy nốt ruồi bằng phương pháp y khoa

‏Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn không nên tự tẩy xóa nốt ruồi tại nhà mà nên tìm đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín để thực hiện xóa nốt ruồi.

‏Tùy vào từng tình trạng, các bác sĩ da liễu sẽ chỉ định và lựa chọn phương pháp phù hợp để điều trị xóa nốt ruồi. Một vài phương pháp xóa nốt ruồi bằng y khoa phổ biến bao gồm:‏

  • Phương pháp đốt điện: Tẩy nốt ruồi bằng cách sử dụng dòng điện tác động trực tiếp lên nốt ruồi.‏
  • Phẫu thuật lạnh (Cryosurgery): Tẩy nốt ruồi bằng cách sử dụng nitơ lỏng, phương pháp này phá hủy hoàn toàn các tế bào từ bên trong. Nốt ruồi sau đó được loại bỏ bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể hoặc tạo thành một vảy bong tróc và rơi ra ngoài.‏‏
  • Sinh thiết cắt bỏ: Các bác sĩ da liễu sẽ xác định nốt ruồi có phải là ác tính hay không. Trong trường hợp là nốt ruồi ác tính, toàn bộ nốt ruồi sẽ được loại bỏ.‏
  • Sinh thiết bấm: Giống với sinh thiết cắt bỏ, tuy nhiên phương pháp này ít xâm lấn hơn nhiều so với sinh thiết cắt bỏ.
  • Bằng tia laser: sử dụng tia laser để loại bỏ tế bào sắc tố ở lớp thượng bì đồng thời tiêu diệt sắc tố nằm sâu dưới da.
  • Dùng hóa chất chấm lên nốt ruồi: Sử dụng các hóa chất bôi trực tiếp lên vị trí nốt ruồi. Đây là phương pháp có thể gây hại hoặc bào mòn da do hóa chất có khả năng ăn mòn cao, làm bỏng da.

Có nhiều phương pháp hiện đại để tẩy nốt ruồi như đốt điện hay sử dụng tia laser

5Chăm sóc vết thương sau khi tẩy nốt ruồi

Dù lựa chọn bất kỳ phương pháp tẩy nốt ruồi nào thì việc chăm sóc và vệ sinh vết thương sau khi tẩy nốt ruồi là rất cần thiết. Một trong những nguyên nhân do vùng da sau khi tẩy xóa nốt ruồi nhạy cảm hơn nhiều lần, nếu không giữ gìn kỹ dễ để lại sẹo lồi hoặc sẹo lõm, thậm chí có thể dẫn tới nhiễm trùng.

  • Chăm sóc vùng da được tẩy nốt ruồi: Vùng da sau khi tẩy nốt ruồi sẽ đóng vảy sau 2-3 ngày điều trị; 7-14 ngày sẽ bong vảy và thường để lại sẹo lõm.
  • Đối với các phương pháp hiện đại (loại bỏ nốt ruồi bằng tia laser, đốt điện,…): các vết thương cần được giữ ẩm bằng các loại băng hydrocolloid trong suốt giúp hạn chế khả năng để lại sẹo và tăng tính thẩm mỹ khi vết thương lành.
  • Vệ sinh vết thương: Nên dùng các sản phẩm nước muối sinh lý hoặc dung dịch polyhexanide để rửa vết thương. Không nên dùng dung dịch oxy già hoặc dung dịch chứa iod vì các dung dịch trên hiện nay đã được chứng minh ảnh hưởng đến tiến trình liền vết thương.

Lưu ý chăm sóc vết thương sau khi tẩy nốt ruồi để tránh để lại sẹo

6Các thắc mắc liên quan về việc tẩy nốt ruồi

Tẩy nốt ruồi tại nhà có nguy hiểm không?

Trước khi đưa ra lựa chọn có tẩy nốt ruồi hay không, bạn cần biết nốt ruồi của mình thuộc loại lành tính hay là biểu hiện bệnh lý. Điều này rất quan trọng bởi vì đối với nốt ruồi lành tính thì việc tẩy nốt ruồi hầu như không gặp khó khăn, nguy hiểm nhưng nếu nốt ruồi là biểu hiện của một bệnh lý thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Tẩy nốt ruồi tại nhà không an toàn và có thể để lại sẹo

Có nên tẩy nốt ruồi trên mặt không?

Nếu như nốt ruồi xuất hiện ở vùng mặt, ở những vị trí gây mất thẩm mỹ, khiến bạn tự ti thì việc xóa nốt ruồi cũng có thể được cân nhắc để giúp bạn lấy lại vẻ tự tin. Tuy nhiên bạn vẫn cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được các bác sĩ da liễu tư vấn, không nên tự xóa tại nhà.

Nốt ruồi trên mặt nếu không được tẩy đúng cách rất dễ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ

Tẩy nốt ruồi có mọc lại không?

Một số trường hợp nốt ruồi mọc lại sau khi tẩy có thể do bệnh nhân lựa chọn những cơ sở y tế kém chất lượng, lựa chọn chưa đúng phương pháp loại bỏ nên chưa loại bỏ được tận gốc nốt ruồi. Điều này dẫn đến, các nốt ruồi có thể tăng sinh trở lại sau một thời gian và xuất hiện trở lại trên da.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý cách chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi để hạn chế khả năng nốt ruồi mọc lại.

Nếu không được áp dụng đúng phương pháp cũng như tẩy nốt ruồi ở cơ sở thiếu uy tín thì nốt ruồi rất dễ mọc lại

Tẩy nốt ruồi có để lại sẹo không?

Việc tẩy nốt ruồi có để lại sẹo hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp tẩy nốt ruồi, cơ địa mỗi người, chế độ ăn uống và chăm sóc sau khi tẩy,...

Nếu muốn hạn chế khả năng để lại sẹo khi tẩy nốt ruồi bạn cần lựa chọn cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để thực hiện. Ngoài ra, cũng cần chú ý vào chế độ ăn và chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi. Bạn cũng nên lưu ý là không nên tự tẩy nốt ruồi ở nhà vì có thể không an toàn và nguy cơ để lại sẹo cao.

Nếu được tẩy nốt ruồi ở cơ sở uy tín và chăm sóc da tốt thì có thể không để lại sẹo

Giá tẩy nốt ruồi bằng laser

Tẩy nốt ruồi bằng laser là phương pháp hiện đại với nhiều ưu điểm, đòi hỏi kỹ thuật cao có giá dao động khoảng vài trăm nghìn cho một nốt. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cơ sở có giá tẩy nốt ruồi bằng laser tương đối rẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại đối với sức khỏe.

Để đảm bảo an toàn thì bạn cần lựa chọn cơ sở uy tín và chất lượng để thực hiện tẩy nốt ruồi. Không nên vì giá rẻ mà lựa chọn những cơ sở kém chất lượng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Nên lựa chọn các cơ sở có uy tín để tẩy nốt ruồi

Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin về tẩy nốt ruồi an toàn. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè của mình nhé!

Nguồn: Bệnh viện da liễu Hà Nội, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Dalieu.vn