Đo điện não đồ EEG để làm gì? Nguyên lý, quy trình, khi nào cần?

Darkrose
Đo điện não đồ EEG để làm gì? Nguyên lý, quy trình, khi nào cần?

Đo điện não giúp phát hiện các sóng điện não bất thường, từ đó làm cơ sở để bác sĩ đánh giá, chẩn đoán các bệnh lý thần kinh liên quan. Vậy, nguyên lý đo điện não đồ là gì? Đo điện não để làm gì? Khi nào cần đo điện não?

đo điện não

Đo điện não EEG là gì?

Đo điện não là gì là thắc mắc được nhiều người đặt ra. Đo điện não EEG hay đo điện não là kỹ thuật đo lường hoạt động điện và sóng xảy ra trong não bộ. Thông qua các điện cực được đặt tại các vị trí nhất định trên da đầu của người bệnh, điện não đồ được ghi nhận dưới dạng nhịp sóng và được thể hiện chi tiết trên màn hình vi tính.

Hiện nay, có hai kỹ thuật đo điện não phổ biến là điện não đồ khi ngủ và điện não đồ thường quy, trong đó:

  • Điện não đồ thường quy thực hiện lúc người bệnh trong trạng thái tỉnh táo với thời gian kéo dài từ 20 đến 40 phút.
  • Điện não đồ khi ngủ được thực hiện trong thời gian người bệnh ngủ giấc ngắn.

Đo điện não đồ để làm gì?

Bác sĩ có thể chỉ định đo điện não cho người bệnh để đánh giá hoạt động của não, qua đó hỗ trợ tối ưu hiệu quả chẩn đoán và tầm soát các vấn đề bất thường trong não. Ví dụ, đo điện não thường được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi chứng động kinh - hiện tượng lên cơn co giật lặp đi lặp lại hoặc các rối loạn co giật khác. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn là cơ sở giúp bác sĩ đánh giá nhiều vấn đề khác ở não, thần kinh, đánh giá mức độ gây mê phù hợp với từng người bệnh để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi.

Nhìn chung, kỹ thuật đo điện não có thể được bác sĩ sử dụng để kiểm tra các vấn đề như:

  • Động kinh
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Viêm não
  • Đột quỵ
  • Xuất huyết não
  • U não
  • Sa sút trí tuệ
  • Chấn thương sọ não
đo điện não đồ
Đo điện não giúp phát hiện các bất thường xảy ra trong não

Khi nào cần đo điện não đồ?

Đo điện não là một phần của chỉ định cận lâm sàng trong quá trình khám sức khỏe tổng quát hay khám chuyên khoa thần kinh, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán các vấn đề bất thường liên quan đến não bộ. Bên cạnh đó, như đã nói, đo điện não là chỉ định quan trọng thường được bác sĩ chỉ định thực hiện khi nghi ngờ một người mắc phải các bệnh lý thần kinh như động kinh, u não, viêm não, xuất huyết não, đột quỵ…

Nguyên lý đo điện não đồ EEG

Hoạt động ở hệ thần kinh trung ương thường kéo theo quá trình điện sinh học. Khi tế bào thần kinh ở trạng thái hoạt động hay hưng phấn, các ion sẽ được phân bố và có sự chênh lệch điện thế giữa các khu vực. Khi đó, nhờ việc tạo nên sóng điện nhỏ, các tế bào não sẽ liên lạc với nhau. Đo điện não giúp đo lường các sóng điện não này. Theo đó, nguyên lý đo điện não đồ EEG cụ thể như sau:

  • Các điện cực sẽ được đặt ở vị trí da đầu tương ứng với các vùng não để có thể ghi nhận được hoạt động điện thế của não.
  • Sự dao động điện thế được ghi nhận dưới dạng hình sóng, sóng điện thế có tương quan với các điều kiện thần kinh khác nhau, được dùng như tiêu chuẩn chẩn đoán.
  • Quá trình đo điện não thường kéo dài khoảng 20 - 30 phút, có khoảng 3 đến 4 cách kết nối điện cực khác nhau.
  • Kích thích ánh sáng ngắt quãng và tăng nhịp thở là hai dạng hoạt hóa được hệ thống hóa.

Đối tượng đo điện não đồ

1. Chỉ định đo điện não

  • Bệnh động kinh hoặc nghi ngờ bị động kinh với mục đích chẩn đoán, theo dõi, định khu tổn thương (1)
  • Phân biệt chứng co giật do nguyên nhân khác với bệnh động kinh
  • Chẩn đoán đau đầu mạn tính
  • Chẩn đoán co giật do sốt thể phức hợp
  • Chẩn đoán chết não
  • Chẩn đoán tình trạng tâm thần thay đổi do nguyên nguyên nhân, như bệnh não chuyển hóa nhiễm độc
  • Chẩn đoán tình trạng mất ý thức khi kết quả xét nghiệm tim chưa đủ cơ sở kết luận
  • Đánh giá những thay đổi thiếu máu cục bộ sau xuất huyết nội sọ và xuất huyết dưới nhện
  • Theo dõi mức độ gây mê trước phẫu thuật

2. Chống chỉ định đo điện não

Hiện tại vẫn chưa có thông tin chống chỉ định đo điện não cụ thể. Tuy vậy, việc đặt điện cực lên da đầu có thể gặp khó khăn đối với người bệnh sau phẫu thuật mở sọ não hoặc có vết thương hở ở vùng đầu. Ngoài ra, người có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, chứng suy hô hấp cấp tính, hen suyễn, thiếu máu hồng cầu liềm… có thể được cân nhắc bỏ qua thủ tục kích hoạt.

Quy trình đo điện não đồ như thế nào?

Cách đo điện não đồ bao gồm các bước như sau:(2)

1. Trước khi đo điện não

  • Người bệnh nên gội sạch đầu trước ngày thực hiện đo điện não đồ. Lưu ý, không dùng kem ủ tóc, dầu xả hoặc gel tạo kiểu tóc.
  • Không uống nước chứa caffeine trước khi thực hiện vì chất này có thể ảnh hưởng đến kết quả điện não đồ.
  • Không nên nhịn ăn trước khi thực hiện để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết ảnh hưởng đến kết quả điện não đồ.
  • Thông báo với bác sĩ về quá trình sử dụng thuốc gần đây của bản thân.
  • Trong trường hợp được chỉ định đo điện não khi ngủ, người bệnh tránh ngủ quá nhiều vào đêm trước đó.

2. Thực hiện đo điện não

  • Đầu tiên người bệnh sẽ được bác sĩ hoặc kỹ thuật viên hướng dẫn tư thế nằm hoặc ngồi phù hợp.
  • Các vị trí gắn điện cực sẽ được đánh dấu trên vùng da đầu.
  • Sau đó, các điện cực sẽ được gắn vào vị trí đã đánh dấu bằng keo chuyên dụng hoặc dùng mũ gắn sẵn điện cực. Điện cực được kết nối với thiết bị khuếch đại sóng não và ghi nhận hình ảnh thể hiện trên vi tính.
  • Bắt đầu đo điện não đồ người bệnh sẽ nhắm mắt và thư giãn. Trong thời gian thực hiện, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số động tác như mở mắt, nhắm mắt, hít thở sâu, nhìn ánh sáng nhấp nháy….

3. Sau khi đo điện não

Sau khi kết thúc quá trình đo điện não (thông thường khoảng 20 - 30 phút, đo khi ngủ sẽ lâu hơn), kỹ thuật viên sẽ tháo dỡ điện cực và người bệnh có thể hoạt động bình thường.

4. Đọc kết quả đo điện não

Người nhận sẽ được bác sĩ trả và phân tích kết quả đo điện não đồ tại phòng khám bệnh.

đo điện não để làm gì
Để đo điện não đồ, người bệnh sẽ được gắn điện cực tại các vị trí nhất định trên da đầu

Giải đáp thắc mắc đo điện não

Dưới đây là một số thắc mắc về kỹ thuật đo điện não đồ thường gặp:

1. Đo điện não có hại không?

Điện não đồ là kỹ thuật an toàn, không xâm lấn, không gây đau đớn. Điện cực chỉ có nhiệm vụ ghi nhận sóng não, không có khả năng truyền điện vào cơ thể nên không tồn tại nguy cơ bị điện giật.

2. Đo điện não có phát hiện u não không?

Đo điện não đồ có thể giúp bác sĩ phát hiện các sóng điện não bất thường, từ đó đưa ra chẩn đoán các bệnh lý về não, trong đó có u não.

3. Đo điện não bao lâu có kết quả?

Kết quả đo điện não đồ thường có thể có ngay sau kết thúc quá trình kiểm tra hoặc lâu hơn tùy thuộc và quy trình ở mỗi cơ sở y tế.

4. Có bầu đo điện não được không?

Trên thực tế, chưa có chống chỉ định đo điện não đồ cụ thể, tuy nhiên thai phụ cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về các vấn đề liên quan trước khi thực hiện kỹ thuật này.

5. Trẻ sơ sinh đo điện não được không?

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể được chỉ định đo điện não đồ để bác sĩ đánh giá tình trạng động kinh hoặc bệnh về não khác.

6. Đo điện não đồ giá bao nhiêu?

Hiện nay, đo điện não đồ có mức chi phí dao động từ 200.000 đến 800.000 VNĐ. Ở mỗi cơ sở y tế, chi phí này có thể chênh lệch tùy thuộc vào cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ.

*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.

7. Đo điện não đồ ở đâu?

Người bệnh nên chọn thăm khám và thực hiện đo điện não theo chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện uy tín. Điều này sẽ đảm bảo hiệu quả đo chính xác, nhanh chóng, tối ưu hiệu quả thăm khám và chữa trị.

Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế uy tín, sở hữu máy đo điện não đồ cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng hiện đại cho ngành thần kinh khác, giúp tầm soát, chẩn đoán, phát hiện các bệnh liên quan thần kinh hiệu quả. Bên cạnh đó, Trung tâm còn là nơi quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao. Người bệnh sẽ được các bác sĩ thăm khám tận tình và đưa ra chỉ định đo điện não hoặc thực hiện thêm các kỹ thuật xét nghiệm khác nếu cần.

cách đo điện não đồ
Người bệnh nên chọn bệnh viện uy tín để đo điện não theo chỉ định của bác sĩ

Tóm lại, đo điện não có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý về não, thần kinh. Để biết thêm thông tin chi tiết liên quan đến kỹ thuật đo điện não đồ, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn chi tiết trực tiếp.