Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số

Darkrose
Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc

Đồng bào Cơ-tu ở các huyện miền núi Quảng Nam. (Ảnh: Kiều Giang)

Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,119 triệu người; 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng.

Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển, mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục… tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam thống nhất.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm, thúc đẩy quyền của các DTTS. Hiến pháp, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của DTTS với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS, 05 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền múi (DTTS &MN). Với cách thức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực, việc bảo đảm quyền của người DTTS được thể chế hóa ở nhiều văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ năm 2013 đến 2019, có 53 văn bản Luật có các điều khoản quy định đảm bảo quyền của người DTTS, có 12 Luật mới ban hành từ năm 2012. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Người DTTS được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Việc Bộ chính trị ban hành Kết luận 65 -KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quốc hội thông qua Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14) và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14) được coi là những mốc son trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ và đồng bào DTTS đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá mới trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của người DTTS trong tình hình mới.

Phát huy nội lực của đồng bào DTTS &MN trong sự nghiệp phát triển đất nước

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong suốt giai đoạn từ 2011 đến nay đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS &MN, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và sự phát triển đất nước.

Theo số liệu từ Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc cung cấp tại Hội nghị thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10/2022, tính đến thời điểm hiện nay, 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng DTTS & MN được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 %.

Đánh giá tổng thể số liệu được phân tích qua điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, có thể thấy những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và cũng tạo ra những chuyển biến nhất định từ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Về lao động và việc làm, đặc điểm nổi bật của người DTTS là tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,55% (nam 91,81% và nữ 83,41%), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92% (nam 79,10% và nữ 71,10%). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở cả nam và nữ DTTS vẫn đang ở mức khiêm tốn (89,7% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật).

Khả năng tiếp cận thị trường giúp phụ nữ DTTS đóng góp vào kinh tế gia đình cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc nâng cao vị thế của người phụ nữ DTTS trong gia đình và xã hội. (Ảnh: Kiều Giang)

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 có quy định về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người… Các chương trình, dự án, chính sách của nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường được nâng lên một bước.

Y tế cũng là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm đầu tư tại vùng DTTS, đến nay gần sáu triệu người DTTS có thẻ bảo hiểm y tế, phần lớn nhờ chính sách cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người DTTS sinh sống tại những địa bàn khó khăn. Trong đó tỷ lệ người DTTS có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh khoảng trên 90%.

Lĩnh vực thông tin, truyền thông vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ; kênh VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng DTTS; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, tỷ lệ hộ gia đình người DTTS sử dụng điện thoại tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2018.

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hoạt động truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của nam và nữ giới trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhiều hoạt động truyền thông, vận động được các bộ, ngành và địa phương linh hoạt, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, tranh thủ lồng ghép vào các chương trình, dự án chính sách khác đang triển khai tại vùng DTTS, từ đó nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới.

Có thể khẳng định, việc thực thi hiệu quả, đồng bộ những chính sách bảo đảm quyền của người DTTS trong thời gian qua đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự.

Bảo đảm quyền cho người DTTS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện để tất cả các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang có những tác động sâu rộng tới việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt đối với quyền của các DTTS ở Việt Nam. Trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, khoa học công nghệ, thương mại và đầu tư, một số nhóm DTTS dễ bị tổn thương, có nguy cơ tụt hậu và loại khỏi quá trình phát triển. Bên cạnh đó, các lực lượng thù địch đang lợi dụng các quan hệ dân tộc xuyên biên giới, sự phổ cập của công nghệ thông tin… để phá hoại các nguyên tắc pháp quyền và quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc. Những tác động này cùng một số hạn chế trong quá trình thực thi chính sách đảm bảo quyền của các DTTS ở nước ta chưa kịp thời khắc phục sẽ tạo nên những thách thức không thể xem nhẹ. Trong khi đó, thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu cùng với nhiều loại dịch bệnh đã và đang gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trong đó có việc bảo đảm quyền của các DTTS sẽ tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục tăng lên là yếu tố nền tảng đề hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn./.