PHÒNG GD&ĐT YÊN KHÁNH
TRƯỜNG TIỂU HỌC KHÁNH CƯỜNG
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Khánh Cường, ngày 26 tháng 8 năm 2020
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Những điểm mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Ngày 26.12.2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. Chương trình có một số điểm mới cơ bản như sau:
Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; thống nhất giữa các lớp học trước với các lớp học sau; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn học trong chương trình hiện hành, có điều chỉnh để phản ánh tốt nhất nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục của môn học trong từng cấp học. Do đó, tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học, chẳng hạn: Môn học cốt lõi của lĩnh vực giáo dục đạo đức - công dân có các tên: Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (trung học cơ sở) và Công dân với Tổ quốc (trung học phổ thông). Cốt lõi trong lĩnh vực giáo dục khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) chỉ có 1 môn học Cuộc sống quanh ta (các lớp 1,2,3); tách thành 2 môn học Tìm hiểu Xã hội và Tìm hiểu Tự nhiên (các lớp 4, 5); tương ứng với 2 môn học Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên (trung học cơ sở).
Cấp trung học phổ thông, để hài hoà giữa học phân hoá định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học Xã hội cùng với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, môn Khoa học Tự nhiên cùng với các môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội; đồng thời học sinh còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Khắc phục sự chồng lấn giữa các môn
Điểm mới đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đó là có riêng một “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, giống như một kế hoạch chung của cả 3 cấp học. Đó là phương hướng và kế hoạch khái quát toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông.
Chương trình tổng thể sẽ gợi ý cho các chương trình bộ môn, bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong từng môn học, giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học. Từ đó, khắc phục tình trạng chương trình cắt khúc, chồng lấn nhau giữa môn học này với môn học khác...
Chuyển sang phát triển phẩm chất năng lực
Đó là chuyển từ coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức. Trước đây, chương trình cũ chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; khi thực hiện lại chủ yếu quan tâm định hướng về mặt nội dung; không đặt ra yêu cầu cụ thể cần đạt được về phẩm chất và năng lực trong từng cấp học.
Chương trình mới, mục tiêu của từng cấp học được viết cụ thể hơn. Theo đó, chương trình cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho việc phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học THCS.
Chương trình giáo dục cấp THCS nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục cấp THPT nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp THCS; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Coi trọng trải nghiệm sáng tạo
Chương trình mới sẽ chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh năng động, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc theo nhóm... Về mặt thiết kế chương trình, ngoài những môn học tiếp tục được phát huy, còn có yêu cầu tăng cường hoạt động xã hội của học sinh. Đó là hoạt động trải nghiệm sáng tạo, được thiết kế một cách khoa học, phong phú hơn về nội dung và hình thức tổ chức hoạt động, phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực hiện.
Ngoài những hoạt động được thiết kế riêng thì trong từng môn học cũng coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học. Ví dụ môn Ngữ văn coi trọng khả năng sử dụng Tiếng Việt tốt, giáo dục công dân thông qua tình huống....
Giúp học sinh hứng thú hơn với học tập
Với chương trình mới, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phong phú hơn, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học. Học sinh không chỉ ngồi suy nghĩ trong lớp học mà còn ở ngoài lớp, ở gia đình, tại các di tích, danh lam thắng cảnh...
Đánh giá học sinh không chỉ dựa trên kiến thức các em học được bao nhiêu mà là việc vận dụng kiến thức đó như thế nào. Từ đó thay đổi cách thức ra đề thi, giúp học sinh thích học, có hứng thú hơn với học tập.
Phân hóa dần ở cấp trên
Nếu như trước đây, chương trình có một mạch, từ lớp 1 - 12, do đó việc phân luồng khó khăn. Đến nay, Chương trình phổ thông 12 năm được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm); Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). Liên quan đến nội dung này có dạy học tích hợp và phân hóa.
Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Dạy học phân hóa là dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, để phát huy cao nhất khả năng của từng học sinh.
Hai yếu tố then chốt để thực hiện dạy học tích hợp và phân hóa là nội dung dạy học và phương pháp dạy học.
Về nội dung, muốn tích hợp phải dạy phối hợp nhiều kiến thức liên quan đến nhau. Nếu trước đây là 2 - 3 môn, nay có thể thành 1 môn học; hay các phân môn khác nhau trong một môn học; muốn phân hóa thì cần có những nội dung học khác nhau cho các đối tượng học sinh khác nhau.
Về phương pháp, để tích hợp được phải rèn luyện cho học sinh biết huy động, vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng; ra câu hỏi thế nào, dạy thế nào, đặt tình huống ra sao để học sinh vận dụng tổng hợp được kiến thức, kỹ năng; muốn phân hóa thì cần có những cách thức hướng dẫn, yêu cầu khác nhau, phù hợp với sở thích, năng lực từng học sinh.
Như vậy, cấp học nào cũng phải chú ý đến phương pháp; riêng nội dung, chú ý như thế nào để chú trọng tích hợp ở cấp dưới và phân hóa dần lên cấp học trên.
Thực nghiệm cái mới, cái khó
Chương trình giáo dục phổ thông mới được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình và do các tác giả chương trình thực hiện.
Nội dung thực nghiệm tập trung vào những vấn đề mới so với chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức hoạt động giáo dục, dạy học mới; những yêu cầu cần đạt của mỗi chương trình môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xác định mức độ phù hợp của yêu cầu cần đạt của chương trình với khả năng nhận thức và điều kiện của học sinh.
BAN BIÊN TẬP TRƯỜNG TIỂU HỌC KHÁNH CƯỜNG
(Sưu tầm và chọn lọc)