Hàn Quốc (South Korea) tên đầy đủ là Đại Hàn Dân Quốc, quốc gia của kim chi, du lịch và làm đẹp. Hàn Quốc nằm ở bán đảo Triều Tiên thuộc Đông Á và theo thể chế cộng hòa. Nhiều thế kỷ trước, Hàn Quốc là vương quốc độc lập nhưng từ năm 1905, người Nhật nắm quyền lãnh đạo đất nước. Sau chiến tranh thế giới II, Nhật đầu hàng Mỹ, bán đảo Triều Tiên giành độc lập nhưng sớm chia cắt tại vĩ tuyến 38 thành Nam Triều Tiên (được hỗ trợ bởi Mỹ) và Bắc Triều Tiên.
- Thủ đô: Seoul
- Diện tích: 100.210 km²
- Dân số: 51,25 triệu (2016)
- Ngôn ngữ: Tiếng Hàn
- Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 15 thế giới
- Tiền tệ: Đồng Won (KRW), 1 won ~ 21.41 VND (tỷ giá 04/6/2018)
Địa lý và khí hậu
- Hàn Quốc nằm phía nam bán đảo Triều Tiên thuộc Đông Á. Phía Đông, Tây và Nam nhìn ra biển; phía Bắc giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
- Địa hình phân thành hai vùng rõ rệt: rừng núi chiếm khoảng 70% diện tích nằm ở phía đông; vùng đồng bằng duyên hải phía tây và Nam. Thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul (Hán Thành), dân số chính thức khoảng trên 10 triệu người. Những thành phố lớn khác là Incheon (Nhân Xuyên), Daejeon (Đại Điền), Kwangju (Quang Châu), Daegu (Đại Khâu) và Busan (Phủ San).
- Hàn Quốc bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân và mùa thu khá ngắn; mùa hè nóng và ẩm; mùa đông thì lạnh, khô và tuyết rơi nhiều.
- Khí hậu khác nhau giữa các vùng. Nhiệt độ trung bình vào tháng Tám, tháng nóng nhất trong năm là từ 19 độ C đến 27 độ C, trong khi đó nhiệt độ vào tháng Giêng, tháng lạnh nhất trong năm từ -8 độ C đến 7 độ C.
Kinh tế
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á. Từ những năm 1960, nông nghiệp và ngư nghiệp đóng góp 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nước này trong khi công nghiệp chế tạo chỉ chiếm 16%. Nhưng đến năm 2010, nông nghiệp và ngư nghiệp chiếm chưa đến 5% trong khi công nghiệp chế tạo chiếm hơn 50%. Hơn 50 năm qua Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế thần kỳ và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Những thành tựu phát triển kinh tế đó thường được báo chí gọi là “Hán giang kỳ tích” hay “Kỳ tích sông Hán”.
Hàn Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 nhờ những cải cách trong lĩnh vực kinh tế, tăng vài trò quản lý của doanh nghiệp và giữ vững xã hội an toàn. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết Hàn Quốc sẽ trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Xếp hạng GDP bình quân đầu người sẽ vươn lên vị trí thứ 8 vào năm 2025, chỉ xếp sau các nước như Mỹ, Canada và Anh Quốc.
- Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tổng sản phẩm quốc nội năm 2016 là 1.411 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 27.538,81 USD (2016). Hàn Quốc là một trong 4 con hổ châu Á gồm Singapore, Đài Loan, Hong Kong và Hàn Quốc.
- Hàn Quốc có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Đức. Các công ty lớn của Hàn Quốc là Samsung, Hyundai, LG Electronics và Tập đoàn Lotte. Tòa tháp Lotte tại Seoul là tòa nhà cao nhất cả nước và cao thứ 5 thế giới.
Văn hóa xã hội
Ở Hàn Quốc, ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn Quốc (tiếng Triều Tiên). Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật cũng trở thành ngoại ngữ chính. Các ngôn ngữ châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha ít phổ biến hơn.
Xếp hạng Quốc gia An toàn Tội phạm 1 Hàn Quốc 83.10 16.90 2 Singapore 82.92 17.08 3 Qatar 80.00 20.00 4 Nhật Bản 79.16 20.84 5 Đài Loan 78.78 21.22 6 Hong Kong 78.14 21.86 7 Georgia 77.25 22.75 8 Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất 76.69 23.31 9 Đan Mạch 74.97 25.03 10 Malta 74.45 25.55 11 Estonia 73.82 26.18 12 Thụy Sỹ 73.77 26.23Tôn giáo
Hàn Quốc là một quốc gia tự do và đa tôn giáo. Nhiều người dân Hàn không đặt nặng tôn giáo, họ tổ chức ngày lễ của nhiều tôn giáo khác nhau nhưng các nghi lễ cổ truyền vẫn còn được duy trì.
Những điều thú vị về Hàn Quốc
Phẫu thuật là chuyện quá bình thường luôn!
Hàn Quốc nối tiếng thế giới về phẫu thuật thẩm mỹ. Và ở Hàn, phẫu thuật là “một điều tất yếu” của cuộc sống. Thậm chí nếu 1 nữ sinh đạt thứ hạng tốt, phần thưởng của cha mẹ sẽ là một phiếu phẫu thuật thẩm mỹ. Theo thống kê, cứ 5 phụ nữ Hàn Quốc thì có 1 người phẫu thuật thẩm mỹ.
Internet tốc độ phi thuyền, Wifi “chùa” khắp mọi nơi
Người Hàn sử dụng Internet có tốc độ nhanh nhất toàn cầu. Tốc độ trung bình của họ hơn 20 MB/s, gần gấp đôi của Mỹ.
Bạn đã quen với việc phải gọi 1 ly nước để có một cái password wifi dùng trong thời gian giới hạn? Vậy thì khi tới Hàn Quốc chắc bạn sẽ cảm thấy bất ngờ lắm. Hàn Quốc phát wifi miễn phí tại khắp các nhà hàng, siêu thị, thậm chí cả trên xe taxi.
Tại Hàn, nhậu là một kỹ năng cần thiết
Giống như Việt Nam, các quán nhậu tại Hàn Quốc nhiều vô kể. Buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, đang rảnh đang chán người Hàn cũng rủ nhau ra quán nhậu tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Đặc biệt nếu bạn muốn ký hợp đồng thì bàn nhậu là địa điểm lý tưởng nhất.
Đụng chạm cơ thể là rất bình thường
Ở một số nước, khi hai người đàn ông nắm tay nhau rất dễ bị cho là quan hệ “không bình thường”. Nhưng ở Hàn Quốc, sẽ chẳng có gì lạ nếu một bạn nam ngồi trên đùi một bạn nam khác và nghịch tóc.
Kiêng kỵ mực đỏ
Nếu ở Việt Nam, màu đỏ là tượng trưng của hạnh phúc và hỷ sự thì ở Hàn Quốc màu đỏ là màu bị kiêng kỵ. Người Hàn tin rằng nếu bạn viết tên ai đó bằng mực đỏ, người đó sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể chết.
Các “OPPA”
Chắc chắn rất nhiều bạn đều biết hoặc ít nhất từng nghe đến các Oppa Hàn Quốc. “Oppa” nếu dịch sang đúng nghĩa là “anh, anh yêu” tùy trường hợp. Hoặc là dùng để xưng hô giữa người con gái với người con trai (vợ chồng, người yêu) với nhau. Nó mang nghĩa là “anh yêu”.
Nhưng ở Việt Nam, từ này lại thường được dùng để gọi các thần tượng nam như diễn viên, ca sĩ.
Những địa điểm du lịch Hàn không thể bỏ qua
Hàn Quốc được du khách khắp thế giới ưu ái bởi những cành đẹp tự nhiên đa dạng cùng nên văn hóa truyền thống thú vị. Hãy cùng thăm thú một vài cảnh đẹp của đất nước này nhé!
Jinhae
Jinhae-gu là một khu vực trong thành phố Changwon, miền nam Hàn Quốc. Jinhae nổi tiếng với lễ hội hoa anh đào thường niên vào mùa xuân. Hai địa điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất của du lịch Hàn Quốc là ga xe lửa Kyeongwha và kênh Yeojwa ở Jinhae. Đặc biệt, tại kênh Yeojwa, các cặp tình nhân có thể bước qua cây cầu thơ mộng Romance Bridge, địa điểm quay bộ phim truyền hình “Romance” (tên tiếng Việt là Như Khúc Tình Ca) có sự góp mặt của cặp đôi diễn viên nổi tiếng Kim Ha Neul và Kim Jae Won.
Núi Seorak
Núi Seorak là núi cao thứ ba ở Hàn Quốc, nằm tại tỉnh Gangwon. Công viên quốc gia Seoraksan là báu vật của du lịch Hàn Quốc với nhiều thắng cảnh nổi bật như cụm núi đá Ulsanbawi với 5 khối đá nằm cạnh nhau, trên đỉnh mỗi khối đều có khe lõm dạng như cái vạc. Ngoài ra còn có Thung Lũng Nghìn Phật, còn gọi là thung lũng Seorak, vì hai bên thung lũng là những dãy núi sắp xếp như hai hàng tượng Phật.
Đảo Jeju
Jeju là hòn đảo trứ danh của du lịch Hàn Quốc, xuất hiện rất nhiều trong bộ phim truyền hình của xứ kim chi. Một số điểm đến nổi bật là đường bờ biển phía đông Seopjikoji với những tảng đá núi lửa đủ hình dạng, núi Seongsan Ilchubong (còn gọi là đỉnh Bình Minh) - một miệng núi lửa 5000 tuổi có tầm nhìn tuyệt vời vào lúc bình minh, và núi Halla với khung cảnh kì bí của những tán cây phủ băng tuyết vào mùa đông. Ở Seopjikoji còn có ngôi nhà từng là nơi quay bộ phim All In (tên tiếng Việt: Một Cho Tất Cả / Ván Bài Định Mệnh) do hai ngôi sao Song Hye Kyo và Lee Byung Hun. Ngoài ra, đảo Udo (Ngưu Đảo) nằm rất gần Jejudo cũng là một điểm đến nổi tiếng của du lịch Hàn Quốc, với Ngưu Đảo Bát Cảnh là 8 cảnh đẹp nhất của đảo. Ở đây cũng có bờ biển với san hô đỏ Rhodolith quý hiếm.
Vọng lâu Bomun
Vọng lâu Bomun nằm ở thành phố Gyeongju, cố đô của triều đại Shilla. Đây là một trong những địa điểm của du lịch Hàn Quốc mà bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp suốt cả 4 mùa: hoa anh đào mùa xuân, lá xanh nõn mùa xuân, màu đỏ và màu úa vàng của lá mùa thu, cùng với những lớp tuyết trắng xóa mùa đông.
Chùa Haeinsa
Chùa Haeinsa 1200 tuổi là ngôi chùa lưu giữ kinh Phật cổ nhất thế giới, quyển kinh Tripitaka Koreana. Trong chùa còn có tượng Phật bằng gỗ cổ nhất Hàn Quốc. Đây là điểm đến Phật giáo quan trọng của du lịch Hàn Quốc.
Vườn trúc Juknokwon
Vườn trúc Juknokwon nằm trong một tổng thể cảnh quan nhân tạo nằm phía sau một ngôi trường Nho giáo ở Damyang, tỉnh Jeollanam. Tại đây bạn có thể tìm thấy một rừng trúc bao phủ trên diện tích rộng, cùng với các thác nước và vọng lâu. Đây là một trong những điểm đến hút khách của du lịch Hàn Quốc.
Cánh đồng trà ở Boseong
Khoảng 40% trà ở Hàn Quốc được sản xuất trên những “cánh đồng cuốn” ở Boseong, cũng là một điểm du lịch Hàn Quốc phổ biến đã trở thành nơi quay các bộ phim truyền hình và điện ảnh nổi tiếng. Ngoài việc thưởng thức các sản phẩm làm từ trà xanh, du khách đến đây chủ yếu là để ngắm khung cảnh tuyệt vời của những đồng trà trải dài trên đồi.
Chùa Bulguksa
Chùa Bulguksa nằm ở thành phố Gyeongju, là một trong những ngôi chùa có giá trị nhất về lịch sử và tôn giáo của du lịch Hàn Quốc. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới, chùa 1500 tuổi Bulguksa có lưu giữ 7 quốc bảo của Hàn Quốc trong đó có 2 bảo tháp bằng đá và 2 tượng Phật mạ đồng. Gần chùa Bulguksa là hang động Seokguram, một di sản văn hóa thế giới khác.
Đảo Cheongsando
Cheongsando là một hòn đảo xinh đẹp ở ngoài khơi phía nam Hàn Quốc, được bao phủ bởi các làng chài và các đồng lúa mạch óng ả. Điểm đặc biệt của các cánh đồng ở đây là chúng được giới hạn bởi những dãy tường đá thấp rất đặc trưng. Ngoài màu xanh và vàng đẹp mắt của lúa mạch, khách du lịch Hàn Quốc còn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa cải dầu và hoa cúc bướm ở Cheongsando.
Đảo Nami
Đảo Nami thu hút khách đến với du lịch Hàn Quốc bởi đây là địa điểm quay bộ phim truyền hình thành công vang dội Winter Sonata (tên tiếng Việt: Bản tình ca mùa đông) do hai diễn viên Bae Yong Joon và Choi Ji Woo thủ vai chính. Đến đây, bạn sẽ được bước đi dưới con đường lãng mạn nằm giữa hai hàng cây thủy sam, một khung cảnh quen thuộc trong phim Winter Sonata.
Ẩm thực Hàn Quốc
Nhắc đến Hàn Quốc, người ta nghĩ ngay đến những món ăn được trang trí tỉ mỉ và công phu với thực đơn đa dạng và mùi vị không thể nào chê được. Hãy cùng Hoàn Cầu Việt điểm danh những món ăn Hàn Quốc ăn rồi nhớ mãi không quên.
Kim chi
Nhắc Hàn Quốc nghĩ ngay đến kim chi. Ở Hàn, kim chi được ăn trong mỗi bữa cơm hàng ngày, từ bữa sau, trưa và cả buổi tối. Hàn Quốc có hàng trăm loại kim chi khác nhau như kim chi cải thảo, củ cải… nhưng chúng đều có mùi thơm nồng và cay hấp dẫn khiến cho bữa cơm thêm phong phú ngon miệng.
Cơm trộn Bimbimbap
Bimbimbap là món ăn hấp dẫn và tiêu biểu nhất của ẩm thực Hàn Quốc. Giống như người Mỹ có hamburger, Anh có món sandwich thì người Hàn Quốc luôn tự hào khi có món cơm trộn Bimbimbap này. Món cơm trộn này rất dễ ăn, hợp khẩu vị của nhiều người vì thành phần nguyên liệu cực kỳ đơn giản chỉ bao gồm cơm trắng, các loại rau và thịt.
Gimbap
Gimbap hay còn gọi là món cơm gói lá rong biển chính là sự kết hợp hài hòa giữa cơm và các món nguyên liệu khác như trứng, cua, thịt, rau… khiến cho món cơm nhàm chán trở nên vô cùng đa dạng hấp dẫn. Các nguyên liệu được tẩm ướp ngon lành rồi cuộn chặt lại bằng lá rong biển. Tất cả hòa quyện tạo nên một biểu tượng của nền ẩm thực của Hàn Quốc.
Tokbokki
Đây là món ăn vỉa hè nổi tiếng của Hàn Quốc, gồm bánh gạo được xào với một loại sốt cay ngọt. Do thời tiết của Hàn khá lạnh nên người dân nơi đây rất ưa chuộng món ăn vặt cay nóng hổi này.
Mì tương đen
Chắc bạn chẳng còn lạ gì với mì tương đen hay còn gọi là Jajangmyeon nữa phải không? Vì món mì truyền thống này xuất hiện trong mọi bộ phim Hàn Quốc mà chúng ta thường xem. Mì tương đen có độ dai, đầy đặn của sợi mì, hòa quyện với vị đặc trưng riêng của sốt tương đen. Nước sốt của mì tương đen mang đến hương vị đắng nơi đầu lưỡi, nhưng càng ăn sẽ càng thấy ngọt, và thơm không có bất cứ loại mì nào khác trên thế giới có được.
Những ngày lễ lớn tại Hàn Quốc
1/1: Năm mới - Seol
Đây là ngày đầu tiên trong năm theo âm lịch và là ngày nghỉ đối với cả nước. Một ngày trước và một ngày sau ngày này cũng là ngày nghỉ.
1/3: Ngày độc lập
Ngày này đánh dấu các phong trào giành độc lập trên quy mô rộng lớn đòi tự do từ ách thực dân Nhật năm 1919.
5/4: Tết trồng cây
Ngày cả nước trồng cây xanh.
5/5: Tết thiếu nhi
8/4 âm lịch: Lễ Phật Đản
Các nghi lễ trang nghiêm được tổ chức tại các đền chùa Phật giáo. Đỉnh cao của các hoạt động lễ hội trong ngày này là lễ rước đèn lồng ở trung tâm Seoul.
6/6: Lễ tưởng niệm
Cả nước viếng hồn các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Lễ tưởng niệm được tổ chức ở Nghĩa trang Quốc gia.
17/7: Ngày lập pháp
Ngày kỷ niệm sự công bố chính thức hiến pháp của Đại Hàn Dân Quốc năm 1948.
15/8: Ngày giải phóng
Vào ngày này năm 1945, Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị kéo dài 35 năm của thực dân Nhật. Ngày này cũng đánh dấu sự thiết lập Chính phủ Hàn Quốc năm 1948.
Ngày 15/8 âm lịch: Chuseok
Các gia đình tổ chức các nghi thức kỷ niệm tại nhà hoặc đi thăm mộ gia tiên. Họ cùng ngắm trăng tròn và cầu mong những điều tốt đẹp.
3/10: Ngày Quốc khánh
Ngày thành lập nhà nước do Dangun lập nên, năm 2333 TCN.
25/12: Lễ Giáng Sinh
Cả các tín đồ theo đạo và người không theo đạo Cơ đốc đều kỷ niệm ngày này, giống như ở các nước phương Tây.