Phân tích cơ bản là một trong những phương pháp phân tích đầu tư được sử dụng phổ biến trong chứng khoán. Với những phân tích cơ bản, các nhà đầu tư có thể dễ dàng đưa ra những lựa chọn đầu tư phù hợp, có hướng đầu tư an toàn trong tương lai.
1. Khái niệm về phân tích cơ bản
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis - FA) là phương pháp đo lường giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên các yếu tố kinh tế và tài chính của cổ phiếu đó.
Với phương pháp phân tích cơ bản, nhà đầu tư cần phải xem xét rất nhiều những yếu tố có ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu, từ những yếu tố vi mô lẫn yếu tố vĩ mô như tình hình kinh tế chung, tình hình ngành, kinh tế trong nước và kinh tế thế giới, các quyết định chính sách của nhà nước hay hiệu quả hoạt động của chính công ty.
Phân tích cơ bản trong đầu tư chứng khoán
Đối tượng nghiên cứu: Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như trạng thái của nền kinh tế, triển vọng của ngành cho tới các yếu tố vi mô của như đội ngũ ban lãnh đạo.
Mục tiêu: Là tìm ra một mức định giá đúng cho cổ phiếu để nhà đầu tư có thể đánh giá xem liệu chứng khoán đó đang được định giá thấp, cao hay là phù hợp từ đó có thể ra quyết định đầu tư.
2. Nguyên lý hoạt động của phân tích cơ bản
Các nhà phân tích cơ bản dựa trên giả định, không phải lúc nào thị trường cũng phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu, giá trị nội tại của cổ phiếu - giá trị được tạo ra bởi chính hoạt động của doanh nghiệp, là cơ sở quyết định giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Phân tích cơ bản thường được thực hiện từ góc độ từ vĩ mô đến vi mô để xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp
Phân tích cơ bản dùng các dữ liệu công khai kết hợp với các giả định của nhà phân tích để tạo ra một mô hình định giá để tìm ra giá trị hợp lý của cổ phiếu.
Dựa vào kết quả định giá thu được các nhà phân tích có thể đưa ra các khuyến nghị của mình về cổ phiếu: Mua, Bán hoặc Nắm giữ.
Cách thức hoạt động của phương pháp phân tích cơ bản
3. Cách tiếp cận của phân tích cơ bản
Phân tích cơ bản tiếp cận doanh nghiệp từ các yếu tố cơ bản của một doanh nghiệp, các yếu tố đó có thể được chia thành hai nhóm: Định lượng và định tính
Định lượng: Các chỉ tiêu có thể đo lường hoặc được thể hiện bằng số: báo cáo tài chính
Định tính: Các đặc điểm hoặc tính chất của doanh nghiệp: chất lượng quản trị, thương hiệu,…
Các yếu tố cần biết khi phân tích cơ bản
3.1 Các yếu tố định lượng cần xem xét
Bảng cân đối kế toán: Phản ánh tổng quát về chất lượng tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Thường các nhà đầu tư sẽ nhìn vào bảng cân đối kế toán để biết được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có đang thực sự tốt hay không.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Đo lượng mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 1 thời kỳ, nó phản ánh các thông tin về doanh thu, chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ đó
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Cho biết các dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thực ra tạo ra dòng tiền hay không.
Lợi nhuận: Lợi nhuận là phần thu được sau khi trừ đi các chi phí kinh doanh. Lợi nhuận thu được càng lớn chứng tỏ công ty kinh doanh càng tốt và có triển vọng trong tương lai.
3.2 Các yếu tố định tính cần xem xét
Mô hình kinh doanh: Các nhà đầu tư cần phải biết chính xác tình hình cũng như cách thức hoạt động kinh doanh của công ty như thế nào. Doanh thu có đang ổn định và phát triển hay không? Mục tiêu kinh doanh của công ty như thế nào trong tương lai và định hướng phát triển trong dài hạn.
Lợi thế cạnh tranh: Điểm khác biệt giúp cho doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành. Việc nắm giữ được lợi thế cạnh tranh trong ngành là điều vô cùng quan trong. Những doanh nghiệp đầu ngành sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Đội ngũ ban lãnh đạo: Đội ngũ lãnh đạo công ty là yếu tố phân tích cơ bản quan trọng nhất khi đầu tư. Đội ngũ lãnh đạo là những người đang điều hành doanh nghiệp, do vậy khả năng của ban lãnh đạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp. Đội ngũ là đạo là điều quyết định mức độ rủi ro và thành công của các nhà đầu tư, những nhà lãnh đạo giỏi, có tâm thì sẽ giúp nhà đầu tư tối ưu tốt vốn của mình.
Quản trị doanh nghiệp: Quản trị doanh nghiệp cũng luôn là yếu tố quyết định rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp. Nó cho biết các chính sách của doanh nghiệp trong mối quan hệ với các bên liên quan
Đạo đức kinh doanh: Phân tích cơ bản là các nhà đầu tư cần phải nắm được những yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp. Đội ngũ quản lý dính tới những hành vi lừa đảo, thao túng thị trường, hối lộ… thì các nhà đầu tư cần phải xem xét thật kỹ khi đầu tư.
Chính sách công ty và các mối quan hệ: Mối quan hệ sẽ là tiền đề giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và có cơ hội trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài những yếu tố chính trên, các các nhà đầu tư cần phải dựa trên các cơ sở như khách hành, thị phần, các yếu tố về tăng trưởng toàn ngành…
4. Ưu, nhược điểm của phân tích cơ bản
Phân tích cơ bản mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư:
Lợi thế mà phân tích cơ bản mang lại cho nhà đầu tư
Ưu điểm
- Phương pháp này phù hợp cho việc dự đoán giá của cổ phiếu và đưa ra các quyết định đầu tư trong dài hạn
- Giúp nhà đầu tư có thể hiểu được bản chất của công ty, phân loại được các công ty tốt để đầu tư
Nhược điểm
- Tốn nhiều thời gian và công sức do phải tiếp cận và xử lý một khối lượng thông tin lớn
- Mức độ chính xác bị hạn chế bởi phụ thuộc vào tính chính xác của báo cáo tài chính được cung cấp
- Dựa trên các giả định chủ quan của người phân tích
- Bỏ qua các yếu tố về cung cầu cũng như tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường
5. Kết luận
Phân tích cơ bản là một công cụ hữu ích, giúp nhà đầu tư hiểu được bản chất của doanh, đánh giá được tiềm năng của nó và đưa ra một mức giá hợp lý của doanh nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế phân tích cơ bản vẫn có những hạn và không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả, một cổ phiếu bị thị trường đánh gái thấp không đảm bảo sẽ sớm trở về với giá trị nội tại của nó thêm vào đó phân tích cơ bản mang tính chất chủ quan của người đánh giá. Do vậy để đạt được hiệu quả tốt nhất nhà đầu tư nên kết hợp giữa các phương pháp đánh giá doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của TOPI về phân tích cơ bản. Mong rằng những kiến thức trên có thể giúp bạn hình dung một cách tổng quát các cách phân tích cơ bản. Chúc bạn thành công!