Sỏi thận là bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở những đất nước nhiệt đới như Việt Nam. Hiện có nhiều phương pháp tán sỏi thận hiện đại, ít xâm lấn. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm, đối tượng áp dụng riêng.
Tổng quan về bệnh sỏi thận
Sỏi thận xảy ra khi những chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng tại thận, tạo thành các tinh thể rắn, thường gặp là tinh thể canxi. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm. (1)
Lượng nước tiểu giảm và nồng độ khoáng chất tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn tới hình thành sỏi. Sỏi kích thước nhỏ có thể tự tống ra ngoài khi đi tiểu. Các viên sỏi kích thước lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang… gây cọ xát dẫn đến tổn thương, thậm chí là làm tắc đường dẫn nước tiểu. Tình trạng này khi không có biện pháp can thiệp sớm có thể để lại hậu quả khôn lường.
Các phương pháp tán sỏi thận hiệu quả được sử dụng hiện nay
1. Tán sỏi ngoài cơ thể
Đây là kỹ thuật dùng sóng xung động tác động từ bên ngoài cơ thể vào vùng có sỏi. Sóng sẽ xuyên qua bề mặt cơ thể, truyền trong môi trường nước, hội tụ ở viên sỏi, gây vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ. Sau đó, các mảnh sỏi được đẩy ra khỏi cơ thể thông qua những thuốc điều trị sỏi. (2)
Ưu điểm
- Kỹ thuật này ưu tiên áp dụng cho sỏi thận có kích thước dưới 2cm, sỏi niệu quản 1/3 trên. Trung bình kết quả thành công 70-80%.
Nhược điểm
Tán sỏi ngoài cơ thể có một số nhược điểm như:
- Không hiệu quả với các trường hợp sỏi rắn (sỏi oxalat canxi một phân tử nước) và sỏi cystin.
- Hiệu quả kém đối với sỏi lớn hơn 2cm. Nhiều trường hợp phải tán lại khoảng 2 - 3 lần. Tỷ lệ tán sỏi lại khoảng 27%.
- Tán sỏi lần 2 hoặc nhiều lần gây bất tiện cho người bệnh về chi phí, thời gian và sức khỏe. Hơn nữa, mảnh sỏi không được tống hết ra ngoài cơ thể, tồn lại tích tụ canxi, khiến sỏi tái phát to lên và khó di chuyển.
2. Tán sỏi nội soi niệu quản
Khi tiến hành tán sỏi nội soi niệu quản, bác sĩ sẽ dùng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận sỏi. Tiếp theo dùng năng lượng laser để phá vụn sỏi, sau đó bơm rửa và gắp lấy hết sỏi ra ngoài. Tán sỏi nội soi niệu quản gồm các phương pháp:
- Nội soi niệu quản dùng ống soi cứng hoặc bán cứng: Ưu tiên thực hiện với sỏi niệu quản 1/3 dưới và sỏi niệu quản 1/3 giữa.
- Nội soi niệu quản dùng ống soi mềm: Hiệu quả trong điều trị sỏi niệu quản 1/3 trên và sỏi thận.
Ưu điểm
- Với ống soi mềm có thể tán sỏi thận kích thước 20mm - 30mm. Tán sỏi nội soi niệu quản là phương pháp đơn giản. Người bệnh có thể xuất viện sau 12 - 24 giờ theo dõi.
Nhược điểm
- Tán sỏi nội soi niệu quản không áp dụng với người bệnh hẹp niệu đạo hoặc đường niệu đang bị viêm, nhiễm khuẩn.
- Có nguy cơ xảy ra một số biến chứng như thủng niệu quản (đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan), không đặt được ống nội soi để tiếp cận vị trí có sỏi… Ngoài ra, chi phí cao cũng là điểm yếu của phương pháp này.
3. Phẫu thuật Nội soi lấy sỏi
- Nội soi lấy sỏi là phương pháp sử dụng nội soi qua phúc mạc hoặc sau phúc mạc để lấy sỏi ở niệu quản hoặc ở thận. Khi mới triển khai, bác sĩ thường ưu tiên đi trong phúc mạc.
- Tuy nhiên, gần đây, bác sĩ ưu tiên đi theo đường sau phúc mạc để tránh đi vào trong ổ bụng. Kỹ thuật này chỉ áp dụng cho các trường hợp sỏi niệu quản đoạn trên, sỏi bể thận. (3)
4. Tán sỏi nội soi qua da
Đây là kỹ thuật tạo đường hầm nhỏ khoảng 6 - 10 mm. Đường hầm đi từ ngoài da đi vào trong thận để tiếp cận sỏi. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng laser phá vỡ sỏi, hút sỏi nhỏ và vụn sỏi ra khỏi cơ thể.
Tán sỏi qua da thường được chỉ định cho những trường hợp sỏi lớn và cứng ở bể thận và đài thận. Ít khi chỉ định trong điều trị sỏi niệu quản gần sát bể thận.
Ưu điểm
- Tán sỏi qua da có thể lấy được 95% sỏi chỉ sau một lần can thiệp. Kỹ thuật này áp dụng được cả với những trường hợp sỏi to.
Nhược điểm
- Đường hầm xuyên qua nhu mô thận được tạo ra để ống nội soi tiếp cận vị trí sỏi có thể bị chảy máu,đôi khi
- Phải can thiệp tắc mạch cầm máu. Chi phí thực hiện cao, sau phẫu thuật cần nằm viện khoảng 3 - 5 ngày.
Điều trị nội khoa
1. Điều trị nội khoa tống sỏi
Mục đích điều trị nội khoa là hỗ trợ người bệnh tiểu được ra sỏi. Các phương pháp nội khoa thường được chỉ định cho các trường hợp:
- Sỏi nhỏ có đường kính dưới 7mm
- Sỏi chưa chưa gây biến chứng
- Sỏi có khả năng di chuyển, tống ra ngoài theo đường tự nhiên.
Ngoài ra, đường tiết niệu dưới sỏi cần đủ rộng để thuận tiện cho việc tống sỏi ra khỏi cơ thể.
2. Điều trị các triệu chứng hoặc biến chứng
Điều trị những triệu chứng hay biến chứng thường áp dụng cho những người bệnh:
- Không có chỉ định điều trị nội khoa tống sỏi.
- Không có chỉ định hoặc không có điều kiện phẫu thuật, sử dụng những phương pháp ít sang chấn như sỏi ở đài thận, sỏi thận mà người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật hoặc làm những phương pháp ít sang chấn.
- Chuẩn bị người bệnh trước khi phẫu thuật hoặc những phương pháp ít sang chấn.
Bệnh sỏi thận được điều trị có tái phát không?
Thực tế, sau khi điều trị sỏi thận, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát. Nguyên nhân dễ tái phát sỏi thận thường ở các yếu tố như:
1. Thói quen ăn uống
Thói quen trong chế độ ăn uống hằng ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Bổ sung canxi quá ít có thể khiến cơ thể hấp thụ nhiều oxalat hơn ở ruột, dẫn tới tình trạng tăng lượng oxalat tại niệu quản, làm hình thành sỏi. Khi cơ thể bổ sung nhiều thực phẩm chứa oxalat như soda, trà, đạm động vật, củ dền, xà lách… cũng là một trong những tác nhân gây sỏi thận.
Đạm từ động vật là các protein có nhiều nhân purin. Các chất này sau chuyển hóa sẽ tạo thành chất thải ure, thải qua nước tiểu, khi lắng đọng ở thận sẽ tạo thành sỏi. Loại đạm này có nhiều trong các thực phẩm như cua, tôm, thịt có màu đỏ…
Ngoài ra, phần lớn những ca sỏi thận được hình thành do cơ thể đang không được bổ sung đủ nước. Người bệnh uống ít nước trong ngày, luyện tập các môn thể thao quá sức hoặc bị dư thừa khoáng chất tinh thể từ nước tiểu. Những khoáng chất có thể kể đến gồm oxalat, canxi, natri, axit uric, cystine, photpho… Các chất này kết hợp thành khối rắn, chính là sỏi tiết niệu.
2. Không uống đủ nước
Uống không đủ nước sẽ khiến những chất cặn bã lắng đọng ở thận, làm tăng nguy cơ tái phát sỏi. Ở người bình thường, lượng nước cần uống mỗi ngày ít nhất là 2 lít. Đối với các trường hợp có tiền sử sỏi tiết niệu, lượng nước bổ sung mỗi ngày cần tăng lên khoảng 2,5 - 3,5 lít.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen nhịn ăn sáng. Đây là thói quen gây hại rất lớn đến sức khỏe. Thói quen xấu này sẽ khiến mật không có thức ăn để tiêu hóa. Dịch mật sẽ ở lâu trong túi mật hơn. Lâu dần, dịch mật bị tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol trong mật tiết ra làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
3. Thói quen sinh hoạt hằng ngày
Lối sống lười vận động cũng dễ dẫn tới việc hình thành sỏi trong thận. Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ tạo sỏi trong thận. Người bệnh từng mắc sỏi thận kết hợp lối sống lười vận động sẽ làm tăng nguy cơ tái phát bệnh cao gấp đôi so với người bình thường.
4. Cơ thể hấp thu và đào thải kém
Cơ thể khi hấp thụ kém những dưỡng chất dư thừa, bao gồm canxi, photpho, magie… và một số loại muối khoáng khác, sẽ được đẩy ra ngoài cơ thể bằng đường nước tiểu hay đường đại tiện. Các cơ quan đào thải gồm thận qua đường tiểu, đại tiện qua đường hậu môn và những tuyến mồ hôi qua lỗ chân lông. Một trong các cơ quan này khi hoạt động kém sẽ làm tích tụ những chất cặn bã, hình thành sỏi.
Phòng ngừa sỏi thận tái phát như thế nào?
Sau khi điều trị sỏi thận, người bệnh nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa dưới đây để tránh tái phát, cụ thể:
1. Tăng cường bổ sung nước
- Người bệnh nên uống đủ nước và tránh nhịn tiểu. Mỗi ngày nên uống khoảng 2,5 - 3 lít nước. Bạn nên đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Cần rèn luyện đồng hồ sinh học thích hợp để hạn chế tình trạng nhịn tiểu.
- Người bệnh có thể bổ sung nước bột sắn dây, nước đậu đen hoặc nước trái cây… để giúp đào thải canxi. Thói quen uống nước liên tục giúp người bệnh đi tiểu nhiều hơn, tránh nguy cơ tái phát sỏi thận.
2. Cải thiện chế độ ăn
Trong chế độ ăn uống, người bệnh cần lưu ý:
- Bổ sung thực phẩm lợi niệu như củ cải đường, rau cần tây, rau cải, nước cam, nước chanh, nước ngô non, nước râu ngô, nước đậu đen…
- Bổ sung thực phẩm dễ tiêu hóa như rau mồng tơi, rau lang, rau đay, rau nhiếp cá, khoai lang, đậu phụ, súp lơ, chuối…
- Giảm oxalat và canxi: Những thực phẩm người bệnh nên kiêng như cua, tôm, rau muống, bột cám, trà đặc, cà phê.
- Hạn chế muối tinh: Các món ăn chứa quá nhiều natri làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Nồng độ muối natri cao làm cản trở hấp thu canxi trong nước tiểu, dễ hình thành sỏi thận. Natri có khả năng làm tăng nồng độ axit amin cystine, dẫn tới sỏi cystin.
- Giảm thiểu đường: Những loại thực phẩm và thức uống chứa lượng đường organic cao, dễ làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển bệnh sỏi tiết niệu. Bạn bổ sung đường quá nhiều. Mức độ canxi lúc này được tìm thấy cũng tăng lên. Lượng nước tiểu giảm xuống. Đây là môi trường thuận lợi cho sỏi thận hình thành.
- Hạn chế đạm động vật, protein: Người bệnh cần hạn chế bổ sung protein từ động vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà và trứng. Các loại thực phẩm giàu protein động vật khi bổ sung nhiều có thể hình thành sỏi dạng axit uric ở thận. Người bệnh cũng nên tránh những món chế biến từ óc động vật và các thực phẩm chứa nhiều purin như thịt khô, cá khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng bò, lòng heo…
- Điều tiết nhóm thực phẩm giàu canxi: Canxi dư thừa có thể làm đọng các chất của hệ tiêu hoá, góp phần tạo ra sỏi thận. Mỗi ngày, người bệnh không nên uống quá 3 cốc sữa tươi hoặc bổ sung lượng canxi 800 - 1300mg từ bơ, phomai… Tuy vậy, bạn không nên hoàn toàn cắt giảm nhóm thực phẩm này. Điều này sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng trong việc bổ sung canxi. Khi đó, cơ thể sẽ hấp thụ nhiều hơn oxalat ở ruột, dẫn tới hình thành sỏi thận.
- Tăng cường đồ uống chứa vitamin C: Người bệnh nên uống nước chanh, nước cam và nước bưởi tươi nhiều. Vì các thức uống này chứa nhiều citrat giúp ngăn ngừa tạo sỏi.
- Bổ sung rau xanh, trái cây phù hợp: Bổ sung rau xanh rất có lợi hệ tiêu hóa, giảm tái hấp thu các chất tạo sỏi. Người bệnh có thể ngừa sỏi tái phát bằng một số món ăn như dứa nướng, đu đủ xanh hấp cách thuỷ, chuối hột sao lên rồi sắc nước…
Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học - Tiết niệu của Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, giỏi chuyên môn, tận tâm.
Nhà giáo nhân dân GS.TS.BS Trần Quán Anh, Thầy thuốc ưu tú PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên là những cây đại thụ trong ngành Tiết niệu Thận học Việt Nam. Cùng với các tên tuổi Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Thế Trường Thầy thuốc ưu tú BS.CKII Tạ Phương Dung, TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, TS.BS Từ Thành Trí Dũng, ThS.BS.CKI Nguyễn Đức Nhuận, BS.CKII Nguyễn Lê Tuyên, ThS.BS Nguyễn Tân Cương, BS.CKII Đinh Cẩm Tú, BS.CKII Ngô Đồng Dũng, BS.CKII Võ Thị Kim Thanh ThS.BS Tạ Ngọc Thạch, BS.CKI Phan Trường Nam…
Các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm luôn tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực; Phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế; Cùng với khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao… Trung tâm Tiết niệu Thận học nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đường tiết niệu. Từ các thường gặp cho đến các cuộc đại phẫu thuật kỹ thuật cao.
Có thể kể đến phẫu thuật nội soi sỏi thận, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận; cắt thận tận gốc; cắt tuyến tiền liệt tận gốc; cắt toàn bộ bàng quang tạo hình bàng quang bằng ruột non; cắt tuyến thượng thận; tạo hình các dị tật đường tiết niệu… Chẩn đoán - điều trị nội khoa và ngoại khoa tất cả các bệnh lý.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học - Tiết niệu Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:
Các phương pháp tán sỏi thận hiện nay đều hiệu quả và có tính an toàn cao. Tùy vào vị trí và kích thước của sỏi, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Để hạn chế rủi ro khi tán sỏi, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để được tư vấn phương pháp tán sỏi phù hợp, hiệu quả cao.