Năm học 2022-2023, học sinh khối 10 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới hoàn toàn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Song, thời điểm này, học sinh ở một số trường (cả ở miền xuôi và vùng cao, biên giới) vẫn chưa tiếp cận với sách giáo khoa mới. Có trường, hiện tại, giáo viên vẫn còn đang băn khoăn chưa lựa chọn dạy theo sách giáo khoa nào để thông báo cho học sinh tìm mua.
Giáo viên chưa chốt dạy sách nào nên hơn 400 học sinh chưa đủ sách giáo khoa
Theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới.
Ngày 20/5/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định 1706/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10 sẽ sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm học 2022- 2023.
Tuy nhiên, đến nay, ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có trường giáo viên chưa chọn được sách giáo khoa môn học, nên hiện tại, nhiều học sinh khối lớp 10 của trường này chưa thể có đủ bộ sách giáo khoa chương trình mới.
Bộ sách giáo khoa lớp 10. Ảnh minh họa: nguồn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Kỳ Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức C (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, thời điểm này, một số môn học do giáo viên chưa chốt dạy theo bộ sách nào nên học sinh lớp 10 của trường chưa chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa.
“Trường quán triệt thực hiện trên tinh thần: đối với đầu sách đã được lựa chọn đưa vào giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tiến hành thông báo để phụ huynh, học sinh khối 10 chủ động tìm mua ở các đại lý, nhà sách hoặc đăng ký tiếp cận sách thông qua trường.
Nhà trường bắt đầu thông báo để cho học sinh tự mua hoặc có nguyện vọng đăng ký với trường từ ngày 24/8. Thời gian đăng ký muộn, do đó, sách giáo khoa đến tay học sinh sẽ chậm hơn so với các trường khác”, thầy Nguyễn Kỳ Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức C chia sẻ.
Liệu phụ huynh và học sinh có mặn mà với tủ sách giáo khoa dùng chung?Lý giải về nguyên nhân chậm trễ trong kế hoạch chuẩn bị sách giáo khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, có những môn học do giáo viên chưa chốt dạy theo sách nào nên trường không thể có căn cứ, định hướng cho học sinh mua sách sớm.
“Bản thân giáo viên cũng lần đầu tiên tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới nên có những bỡ ngỡ. Thực tế, trước rất nhiều danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, ở một số môn học, giáo viên còn băn khoăn, đắn đo lựa chọn dạy theo bộ sách giáo khoa nào. Bởi, lựa chọn sách giáo khoa còn dựa trên các tiêu chí như giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy phù hợp, nhà trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất và phù hợp với trình độ nhận thức của học trò hay không.
Chính vì giáo viên bộ môn chưa thể lựa chọn dạy theo sách giáo khoa nào nên có những môn học nhà trường chưa thể thông báo cho học sinh mua sách, tránh lãng phí. Và thời điểm hiện tại, hơn 400 học sinh khối 10 của trường chưa có đủ sách giáo khoa”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức C cho biết thêm.
Cũng theo thầy Nam, nhà trường đã chỉ đạo đến tập thể giáo viên, trên cơ sở tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giáo viên phải chốt được đầu sách giảng dạy trước ngày 31/8 để tiến hành thông báo cho học sinh đăng ký mua các sách còn thiếu, đảm bảo 100% học sinh có sách giáo khoa khi vào năm học chính thức. Trường hợp vào năm học mới mà học sinh chưa có đủ sách thì sẽ vận động các em học chung sách của nhau.
Sách về đến đâu phát ngay cho học sinh đến đó
Cùng về vấn đề thiếu sách giáo khoa trước thềm năm học mới, thầy Đinh Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Nguồn sách giáo khoa phục vụ cho lớp đầu cấp theo chương trình mới hiện đang rất khan hiếm trên thị trường tỉnh Sơn La. Việc tìm kiếm và chọn mua sách đối với học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế khá giả còn gặp khó khăn thì đối với thầy trò ở miền núi như nhà trường lại càng là một thử thách.
Chung tay cùng học trò khắc phục khó khăn, đầu tháng 8, nhà trường thông báo cho phụ huynh và học sinh tiến hành đăng ký để trường đặt mua sách hộ. Do là năm đầu tiên áp dụng sách giáo khoa mới lớp 10 nên học sinh hầu hết đều đặt mua sách thông qua nhà trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trường mới chỉ nhận được một nửa số đầu sách theo đơn đặt hàng. Số sách giáo khoa còn lại chưa biết khi nào mới "cập bến" trường”.
Cũng theo thầy Phó Hiệu trưởng, điều kiện tiên quyết là phải có sách giáo khoa để thực hiện việc dạy và học. Trên tinh thần “có sách đến đâu phân chia cho học sinh đến đó”, trước đó, khi nhận được một nửa số sách giáo khoa, nhà trường đã phát ngay cho học sinh để các em xem, làm quen trước.
“Có một thực tế là vào đầu năm học mới nào nhà trường cũng xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Nếu như các năm trước, học sinh khối 10 có thể mượn các anh, chị khóa trên, học lại sách cũ nhưng năm nay buộc phải mua mới, mà nguồn sách trên thị trường khan hiếm, dẫn đến học sinh khó tiếp cận với sách giáo khoa sớm. Đây là một thiệt thòi đối với các em”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương tâm sự.
NXB Giáo dục lập đường dây nóng hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoaCùng trao đổi về vấn đề này, cô Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, Sở đã đề nghị rà soát và phối hợp với các đơn vị có đủ điều kiện, năng lực, đảm bảo thực hiện phát hành, cung ứng sách đúng tiến độ năm học mới.
Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, năm nay do một trong hai đơn vị thực hiện cung ứng sách giáo khoa ở tỉnh Sơn La thông báo tạm dừng phát hành sách vào tháng 7 vừa qua nên tiến độ hoàn thành các đơn đặt hàng sách diễn ra chậm hơn, sách giáo khoa khó đến tay học sinh.
Sau quá trình đốc thúc, hiện tại, công tác phát hành sách giáo khoa cho năm học mới trên địa bàn Sơn La tiếp tục đảm bảo theo kế hoạch, cố gắng không để khan hiếm, hay thiếu sách giáo khoa phục vụ năm học mới.
Đồng thời, ngành giáo dục tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh phát động, tuyên truyền “nói không với sách giáo khoa lậu, sách giả, sách không đảm bảo chất lượng, in nối bản, phát hành và cung ứng trái tuyến từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh Sơn La”. Ngoài ra, tỉnh mong muốn được hỗ trợ sách cho học sinh nghèo, tham gia xây dựng tủ sách, thư viện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đảm bảo tất cả học sinh có sách giáo khoa khi chính thức bước vào năm học mới.
Bên cạnh nỗi lo thiếu sách giáo khoa, tỉnh Sơn La còn đang phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên trầm trọng ở tất cả các cấp học. Do đó, tinh thần chung là ngành giáo dục sẽ chỉ đạo, từng bước tháo gỡ để đảm bảo các điều kiện về nhân lực, vật lực, sẵn sàng cho năm học mới.
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/sach-giao-khoa-lop-10-nam-2022-2023-co-thay-doi-khong-a26158