Với những cách làm trân châu mà Bếp Eva giới thiệu sau đây, bạn sẽ có được bí kíp làm hạt trân châu có độ mềm dai và giòn đặc biệt không bị dính vào nhau giúp bạn làm được thức uống ngon như ý.
Bột năng là loại bột quen thuộc sử dụng rất nhiều trong nhà bếp và nhất là làm trân châu. Để chọn được bột năng ngon, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
Bạn nên chọn bột có màu đục giống như sắn bởi đây mới là bột nguyên chất. Thường những phần bột năng có màu trắng tinh là đều được qua tẩy trắng, không tốt cho sức khỏe.
Giống như các loại bột gạo thông thường, khi mua bột năng bạn nên kiểm tra độ mịn của bột. Bột càng mịn thì độ kết dính càng cao. Ngược lại, nếu sờ vào bột có cảm giác lấn cấn thì khi làm ra trân châu sẽ không được đẹp và ăn cũng không ngon.
Ngoài ra, vì bột năng trông khá giống với các loại bột gạo, bột mì, bột sắn dây vì vậy bạn phải lựa chọn cho thật kỹ càng. Mặc dù vẫn có cách làm trân châu từ bột nếp hay bột mì tuy nhiên độ ngon không thể bằng so với bột năng.
Trân châu đen dẻo dai thơm ngon ăn với chè hay trà sữa đều rất hợp. Tham khảo ngay cách làm ngay sau đây.
- 150g đường kính trắng (đường cát)
- 20g bột gạo
- 140g bột năng
- 5g bột cacao
Bước 1: Nhào bột
- Trộn hỗn hợp bột năng và gạo hòa quyện vào nhau rồi múc 2 muỗng ra để làm bột áo. Sau đó trộn tiếp bột cacao vào.
- Đổ từ từ 150 ml nước sôi vào hỗn hợp, vừa đổ vừa trộn đều, khi bớt nóng thì dùng tay (đeo găng tay nilon) nhào thật kỹ cho bột đều vào dẻo đến khi tạo hình được mà không bị dính tay. Sau đó để 10 phút rồi làm bước tiếp theo.
Nhào hỗn hợp
Bước 2: Viên trân châu
- Dùng 1 mặt phẳng (mâm hoặc thớt) phủ 1 lớp bột năng lên sau đó đặt hỗn hợp bột đã nhào lên trên lăn vài lần để bột bám vào lớp áo khỏi dính.
- Nặn thành những viên tròn có kích thước to nhỏ theo nhu cầu của bạn, hạt trân châu to tầm bằng đầu ngón tay út là phù hợp. Sau đó phủ 2 muỗng bột đã để riêng lên các viên đã nặn trộn đều để các viên không dính vào nhau.
Viên trân châu thành hình tròn
Bước 3: Nấu trân châu
- Đun nước lọc đến khi sôi, sau đó lấy 120g đường cho vào khuấy tan.
- Cho toàn bộ trân châu đã viên vào đun sôi, khi thấy trân châu nổi hết lên thì tắt bếp. Vớt ra cho vào bát nước lạnh (giúp tạo độ mềm dai) ngâm 5 phút.
- Sau khi ngâm xong, vớt ra và trộn đều cùng với 30g đường còn lại
Trân châu đen xong phải có hình đen bóng và dai
Các bước làm trân châu trắng không khó, chỉ với đường trắng, bột rau câu và áp dụng theo cách làm trân châu mà Bếp Eva chia sẻ ngay sau đây thì đảm bảo ai cũng có thể làm thành công.
- 250g đường trắng
- 25g bột rau câu dẻo
- 5g bột rau câu giòn
- 50ml dầu ăn
- 1 chai nhựa có đẩu tròn có thể nhỏ giọt (có thể dùng chai tương ớt rửa sạch)
- Nước lọc
- 1 bát tô nước lạnh (để ngăn mát tủ lạnh)
Bước 1: Đun hỗn hợp
- Ngâm bột rau câu giòn với 1 lít nước để rau câu nở ra rồi khuấy đều cho tan, sau đó đun sôi với lửa vừa.
- Trộn phần bột rau câu dẻo với đường trắng, tiếp tục đổ từ từ vào nồi rồi khuấy đều cho tan hết rồi tắt bếp.
Lưu ý: Nếu không đổ từng bước như trên sẽ dễ gây hiện tượng vón cục của bột.
Bước 2: Tạo viên trân châu
- Cho hỗn hợp rau câu đang nóng vào chai nhựa đầu tròn, phần còn thừa vẫn để trong nồi để rau câu không bị đông lại. Ngâm chai vào nước lạnh để chai đỡ bị biến dạng vì nóng.
- Cho 50ml dầu ăn vào tô nước lạnh (không được cho đá vì sẽ làm dầu đông và vón cục).
- Dùng khăn bọc chai nhựa rau câu để cầm cho đỡ nóng, nhỏ từng giọt hỗn hợp vào tô nước lạnh. Giọt rau câu qua lớp dầu sẽ tạo thành hình viên tròn đều nhỏ chìm xuống nước đá đông lại thành viên trân châu.
Nhỏ để tạo viên trân châu
- Vớt trân châu ra rửa với nước sạch nhiều lần, rồi ngâm với 1 chút đường pha với chanh để trân châu không bị khô, có vị ngọt thanh.
Trân châu trắng rau câu
Có một loại trân châu cực kỳ ngon, thơm, béo bùi mà lạ miệng ai ăn cũng ghiền đó là trân châu dừa.
- 250g bột năng
- 150g cùi dừa tươi
- 100ml nước sôi
- 1 ít muối
Bước 1: Nhào bột và sơ chế dừa
- Cho bột năng vào chậu nhỏ hoặc bát lớn, cho thêm ít muối vào bột và trộn đều
- Đổ từ từ nước sôi vào bột năng, vừa đổ vừa trộn đều, khi bột bớt nóng thì dùng tay nhào bột đến khi bột tạo thành khối dẻo mịn, không vón cục.
- Cùi dừa thái nhỏ bằng hạt đỗ (không thái to vì sẽ khó nặn viên).
Bước 2: Nặn trân châu nhân dừa
- Lấy bột ấn dẹt rồi cho miếng dừa vào giữa, nặn cái mép kín lại rồi vo tròn rồi đặt ra đĩa. Làm đến khi hết bột và dừa.
- Áo qua 1 lớp bột năng để các viên không dính vào nhau.
Nặn trân châu nhân dừa
Bước 3: Nấu trân châu
- Đun sôi 1 nồi nước lớn và chuẩn bị sẵn 1 tô nước lạnh.
- Thả trân châu vào nồi nước sôi đang đun, khi có viên nào nổi lên thì vớt luôn cho vào bát nước lạnh ngâm trong 5 phút (giúp trân châu không dính vào nhau và mềm giai hơn).
Trân châu nhân cùi dừa
Vẫn là trân châu dẻo dai nhưng nhờ có nhiều màu mà cốc chè hay tào phớ của bạn sẽ ngon và đẹp mắt hơn.
- 200g bột năng
- 20g đường trắng (có thể tăng giảm lượng đường cho hợp khẩu vị)
- 10g bột rau câu
Phần tạo màu nguyên liệu tự nhiên (hoặc màu thực phẩm):
Nước cốt lá dứa hoặc bột trà xanh cho ra màu xanh. Màu cam từ nước cà rốt, tím của bắp cải, đỏ của dâu, vàng từ nước cam và hồng nhờ củ dền đỏ.
Bước 1: Trộn bột
- Trộn đều bột năng, rau câu,đường và vài hạt muối với nhau
- Chia đều hỗn hợp trên ra số bát tương ứng với số màu cần làm.
Bước 2: Tạo màu và nhào bột
- Đun sôi lần lượt nước cốt từng màu, xong màu nào thì đổ từ từ vào 1 bát hỗn hợp, vừa đổ vừa khuấy đều để bột không bị vón cục.
- Khi bột ướt được khoảng 80% thì cho hỗn hợp ra mặt phẳng nhào thật kỹ cho đều đến khi bột dẻo có thể tạo hình mà không bị dính tay.
- Làm tiếp với các nước màu còn lại đến hết.
Tạo màu cho trân châu
Bước 3: Nặn viên trân châu
- Nặn thành từng viên vừa ăn, nặn xong viên nào thì áo qua luôn 1 lớp bột năng để các viên không bị dính vào nhau.
Bước 4: Nấu trân châu
- Đun sôi 1 nồi nước rồi thả từng viên trân châu vào đun.
- Chuẩn bị 1 bát nước lạnh, khi có viên trân châu nào nổi lên thì vớt ra ngay cho vào bát nước lạnh ngâm 5 phút rồi vớt ra.
Trân châu nhiều màu
Hầu hết các loại trân châu đều được làm từ bột năng. Loại bột này không chỉ mang đến những viên trân châu dẻo, dai mà còn giữ được độ giòn cùng phần vỏ trong vắt cực kỳ đẹp mắt.
Cách làm trân châu từ bột năng rất đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu chính như bột năng, bột rau câu cùng đường sau đó thực hiện theo công thức làm trân châu mà Bếp Eva chia sẻ ngay sau đây đảm bảo sẽ tạo ra viên trân châu dẻo giòn như ngoài hàng.
>> Xem chi tiết cách làm trân châu bằng bột năng đơn giản tại nhà
Một loại trân châu không chỉ có trẻ con mà người lớn còn cực kỳ thích đó là cách làm trân châu bằng milo (trân châu cacao).
- Bột gạo nếp: 50g
- Đường trắng: 100g
- Bột năng: 100g
- Bột milo: 50g (Nếu dùng bột cacao thì chỉ nên sử dụng 25g thôi nhé)
Bước 1: Làm bột trân châu
- Đổ bột gạo nếp, bột năng cùng bột milo vào bát sau đó dùng phới trộn đều lên.
- Cho vào đây khoảng 150ml nước sôi sau đó trộn đều hỗn hợp. Chú ý, để tránh bột quá khô hoặc quá nhão, bạn nên đổ nước vào từ từ.
- Dùng tay nhào bột đến khi bột tạo thành khối dẻo mịn và không bị dính tay là có thể đem đi nặn trân châu.
- Chia khối bột thành từng phần nhỏ sau đó cắt bột ra thành những viên có kích thước bằng đầu đũa là được.
- Dùng tay ve tròn viên bột đến khi hết nguyên liệu thì dừng lại.
Bước 2: Luộc trân châu
- Bắc một nồi nước lên bếp đun sôi rồi thả những viên trân châu milo vừa nặn vào luộc chín.
- Thời gian luộc trân châu khoảng 20 - 30 phút. Khi thấy viên bột nổi lên trên bề mặt là chín.
- Cho trân châu ra bát nước lạnh để chừng 5 - 7 phút thì vớt ra cho ráo nước và sử dụng.
Cách làm trân châu milo có màu nâu cực kỳ đẹp mắt. Lớp vỏ trân chấu bóng mịn, khi ăn cảm nhận được độ dẻo dai, thơm mềm của bột cùng vị ngọt thanh của đường, béo ngậy của milo rất hấp dẫn.
Bạn có thể cho milo vào hộp kín rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Với cách làm này, bạn không lo trân châu bị cứng.
Bột mì có thể dùng làm trân châu không? là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, ngoài bột năng thì bạn có thể dùng bột mì để làm trân châu mà vẫn đảm bảo được độ dẻo ngon của món ăn.
- Bột mì đa dụng: 200g
- Cà phê hòa tan: 50g
- Đường nâu/đường vàng: 50g
- Bột cacao: 1 thìa
- Nước: 250ml
Bước 1: Sơ chế bột làm trân châu
- Cho nước lọc vào nồi rồi thêm 50g đường nâu/đường vàng vào khuấy đều sau đó đun sôi.
- Trút phần bột mì đã chuẩn bị cùng 50g cà phê hòa tan, 1 thìa cacao vào bát lớn sau đó từ từ đổ nước đường nâu/đường vàng vào trộn đều lên.
- Dùng tay nhồi bột cho thấu, khi thấy bột không dính vào tay và tạo thành một khối dẻo, mịn là đã thành công.
Bước 2: Tạo hình trân châu
- Chia bột thành những phần nhỏ bằng nhau, nên để bột nhỏ như đầu đũa là được sau đó dùng tay vo bột thành các viên tròn.
- Thực hiện liên tục cho tới khi hết bột thì dừng lại.
Bước 3: Luộc trân châu
- Cho nước vào nồi đun sôi sau đó lần lượt thả viên trân châu đã nặn trước đó vào và luộc chín.
- Dấu hiệu nhận biết trân châu đã chín là khi các hạt trân châu nổi lên trên bề mặt nước. Thông thường, thời gian luộc trân châu sẽ kéo dài khoảng 30 phút.
- Trân châu chín, bạn vớt ra 1 bát nước lạnh. Thao tác này sẽ giúp cho viên trân châu được dẻo dai, thơm mềm và quan trọng nhất là không dính liền vào nhau khi thưởng thức.
* Mẹo hay: Vì trân châu rất dễ dính xuống đáy nồi và gây cháy, vì thế trong suốt quá trình luộc bạn cần phải dùng thìa hoặc đũa khuấy đều, liên tục nhé.
Bước 4: Hoàn thành
Trân châu làm từ bột mì có độ dẻo dai, trong và đẹp mắt không kém gì so với làm từ bột năng hay bột nếp. Những viên trân châu tròn xoe như hạt nhãn với vỏ trong bóng khiến ai nhìn cũng muốn ăn ngay.
Bạn có thể dùng trân châu cho rất nhiều món ăn vặt ngon khác nhau. Tùy vào sở thích mà kết hợp sao cho chuẩn xác.
Trân châu đường đen là món khoái khẩu được nhiều bạn trẻ yêu thích. Cách làm trân châu đường đen không khó, bạn vẫn sẽ tiến hành các thao tác sơ chế bột, luộc trân châu… tương tự các cách làm khác. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn nguyên liệu thật chuẩn để thành phẩm tạo ra ngon và đẹp như ý.
Đúng như tên gọi, trân châu đường đen có màu đen tuyền cực kỳ thích mắt. Viên trân châu óng ánh, lấp lánh, khi ăn cảm nhận rõ được độ mềm dẻo, giòn thơm đặc trưng của loại trân châu này.
Thường trân châu đường đen có thể ăn cùng với trà sữa, sữa tươi hoặc sữa chua cũng cực kỳ ngon miệng,
>> Xem chi tiết cách làm trân châu đường đen mềm dai béo ngậy hấp dẫn
Trân châu phô mai béo ngậy, dẻo dai khiến người ăn 1 lần nhớ mãi. Cách làm trân châu phô mai có khó không?
- Phô mai con bò cười: 6 - 8 miếng (tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể chọn tăng hoặc giảm lượng phô mai sử dụng).
- Đường: 3 thìa
- Bột năng: 3 thìa
- Đường bột: 3 thìa
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Phô mai con bò cười bạn cắt làm đôi sau đó dùng tay ve tròn phô mai lại thành từng viên bằng nhau.
- Đổ bột năng cùng đường bột ra 2 chiếc đĩa khác nhau. Cầm viên phô mai lăn qua bột năng rồi lại lăn qua đường bột. Lần lượt thực hiện cho tới khi hết phô mai thì dừng lại.
- Sau khi đã lăn bột xong, bạn cho viên phô mai này vào hộp có nắp đậy rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh trong thời gian khoảng 30 phút.
- Hết thời gian, bạn lấy các viên phô mai này lăn thêm 1 lần bột năng nữa là hoàn thành.
Bước 2: Luộc trân châu phô mai
- Bắc nồi nước lên bếp sau đó bật bếp đun. Sau khi nước sôi thì bạn lần lượt thả viên phô mai đã lăn qua bột năng vào.
- Trân châu nổi lên trên mặt nước, vỏ trong thì vớt ra rồi cho vào bát nước đá lạnh để khoảng 5 phút.
- Trong quá trình chờ trân châu nguội, bạn cho vào bát tô sạch khoảng 3 thìa đường trắng rồi đổ nước vào khuấy đều cho đường tan.
Bước 3: Thưởng thức
- Vớt các viên trân châu phô mai vừa nấu vào bát nước đường. Khi ăn, bạn múc trân châu ra cốc thêm trà sữa cùng đá lạnh vào là có thể thưởng thức.
Trân châu phô mai có màu vàng cực kỳ đẹp mắt. Ngoài độ dẻo dai, thơm mềm như bao loại trân châu thông thường, món trân châu này còn có nhân phô mai béo ngậy ăn cực kỳ đã. Nó là món ăn vặt ngon cho những tín đồ yêu thích phô mai đấy.
Muốn có một cốc trà sữa ngập tràn trân châu hoàng kim vừa ngon lại đảm bảo an toàn thì cách tốt nhất là tự mình vào bếp. Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn cách làm trân châu hoàng kim ngon chuẩn.
- Bột năng: 100g
- Đường nâu/đường vàng: 150g
- Mật ong: 2 thìa
- Nước: 400ml
Bước 1: Làm nước đường
Để trân châu có màu sắc đẹp như ý muốn thì bạn cần phải có bát nước đường đẹp. cách làm như sau:
- Bắc nồi lên bếp rồi thêm vào đây 100ml nước cùng 10g đường nâu/đường vàng vào. Đun với ngọn lửa vừa cho tới khi nước đường sôi và có dấu hiệu ngả màu sang caramen thì dừng lại.
Một mẹo nhỏ giúp nước đường của bạn màu đẹp không bị khét chính là không khuấy. Nếu bạn dùng thìa, đũa, khuấy nước đường lên thì sẽ rất dễ gây ra tình trạng đường bị vón cục lại.
Bước 2: Làm bột trân châu
- Chuẩn bị một bát tô sau đó cho vào đây: 100g bột năng và từ từ đổ nước đường còn nóng vào. Chú ý, để bột không bị vón cục, khi đổ nước bạn phải dùng dụng cụ khuấy bột nhẹ nhàng nhé.
- Khi bột tạo thành một khối kết dính lại với nhau, bạn dùng tay nhào để bột dẻo, mịn và ngon hơn.
- Rưới vào đây 2 thìa mật ong và nhào cho đến khi bột mịn, dẻo và không bị dính vào tay là được.
Bước 3: Luộc trân châu
- Chia bột thành từng viên nhỏ. Dùng tay vo lại rồi rắc thêm 1 lớp bột năng để khi luộc viên trân châu trông đẹp hơn.
- Cho vào nồi khoảng 200ml nước cùng với 50g đường nâu/đường vàng đã chuẩn bị sẵn. Bật bếp đun sôi sau đó cho viên trân châu đã nặn vào luộc khoảng 25 phút. Khi trân châu nổi lên trên bề mặt thì có thể vớt ra.
- Lấy trân châu đã luộc cho vào bát nước đá sau đó vớt ra rổ thưa để cho ráo nước.
Bước 4: Hoàn thành
- Lấy bát đường nâu đã nấu ở bước 1 ra rồi cho thêm vào đây 100ml nước, 1 thìa mật ong. Khuấy đều lên và trút trân châu vừa hoàn thành ở bước 1 vào.
Viên trân châu thấm đẫm vị ngọt thơm của đường nâu và mật ong, giữ được độ dẻo dai vốn có. Ngoài ra, nó còn có màu sắc cực kỳ bắt mắt nữa.
Thường trân châu hoàng kim sau khi nấu có thể để được 8 tiếng ở môi trường bên ngoài. Bạn cũng có thể để chúng vào hộp kín rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Tuy nhiên, không nên để quá lâu kẻo trân châu bị cứng nhé.
- Với thành phẩm thu được, bạn có thể ăn cùng với trà sữa mát lạnh ngon tuyệt vời.
- Ngoài ăn với trà sữa là món được các bạn trẻ hay ăn nhất thì bạn sẽ không ngờ được trân châu còn có thể ăn kèm với: bánh mì sandwich, hay kem trà sữa, chè thập cẩm.
- Bạn có thể thưởng thức cùng với sữa chua hoặc hoặc đun chút nước đường gừng, thêm chút đá, ít hạt é là được bát chè thanh mát cho ngày nắng nóng.
Trân châu sau khi làm xong nếu ăn ngay sẽ có vị dẻo dai, thơm ngon. Tuy nhiên, nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì rất dễ bị cứng, khi ăn có cảm giác sần sật không được dẻo dai như ban đầu. Vậy có cách bảo quản nào giúp trân châu không bị cứng không?
- Trước tiên, khi trân châu chín, bạn cần vớt ngay trân châu ra khỏi nồi như thế sẽ tránh được tình trạng bột bị chín quá, không ngon.
- Tiếp đến, bạn phải cho trân châu vừa luộc vào bát nước lạnh ngay lập tức. Tốt nhất nên xả nước trực tiếp vào rổ trân châu như thế sẽ lọc sạch được phần bột bám bên ngoài vừa giúp viên trân châu trong hơn lại tránh được tình trạng bị dính vào nhau.
- Bạn cho trân châu đã nguội vào hộp rồi đậy nắp kín. Bảo quản trân châu trong điều kiện thường sẽ giúp trân châu mềm thơm mà không bị cứng.
- Dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi nilon bọc kín bên ngoài hộp trân châu sau đó mới cho vào tủ lạnh. Bằng cách này sẽ kéo dài được thời gian bảo quản. Nếu làm đúng hướng dẫn bạn sẽ để được trân châu từ 3 - 4 ngày.
Một số chị em thường nặn sẵn trân châu rồi cất vào tủ đá, khi nào sử dụng mới đem luộc. Để bảo quản trân châu ở dạng này, bạn cần cho các viên bột nặn trân châu vào trong túi hoặc hộp rồi đậy nắp kín và để vào ngăn đá.
Khi sử dụng, bạn chỉ cần cho trân châu ra rã đông và luộc lên như bình thường.
Trong quá trình làm và sử dụng trân châu, bạn rất dễ gặp phải một số tính huống sau:
Vì để trân châu trong tủ lạnh nên việc chúng bị cứng là không thể tránh khỏi. Cách làm trân châu mềm ra rất đơn giản. Bạn hãy cho 1 phần trân châu mà mình muốn dùng ra bát sau đó cho vào lò vi sóng chừng 1 phút. Sau đó, bạn lấy trân châu ra và dùng như bình thường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đem trân châu luộc lại rồi mới sử dụng.
Có không ít chị em vì tiếc mà vẫn sử dụng trân châu bị mốc. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, bạn không nên ăn loại trân châu xuất hiện tình trạng này. Nếu thấy dấu hiệu mốc thì nên vứt đi để tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Một số chị em thắc mắc tại sao luộc trân châu không chín dù thời gian rất lâu. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này trong đó có 3 yếu tố:
- Thứ nhất, luộc chưa đủ thời gian
Thường thời gian luộc trân châu chín là khoảng 20 - 30 phút. Nếu bạn luộc ít hơn khoảng thời gian này thì khi đó bột chưa đủ chín vì thế trân châu khi ăn còn có cảm giác sượng cứng.
- Thứ hai, bỏ qua bước ủ
Ủ trân châu cực kỳ quan trọng. Nếu bạn không ủ trân châu sau khi luộc sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lại gạo. Vì vậy, lời khuyên cho bạn là sau khi luộc phải ủ trong nồi chừng 30 - 40 phút rồi mới vớt ra.
- Thứ ba, luộc quá ít nước
Theo kinh nghiệm, lượng nước phù hợp khi luộc trân châu là cứ 1 phần trân châu thì 9 phần nước. Chỉ khi bạn cho nhiều nước thì các viên trân châu mới đủ nở để chín. Ngoài ra, việc cho quá ít nước còn gây ra tình trạng trân châu bị bén nồi.
Vừa rồi là 10 cách làm trân châu ngon từ bột năng, bột mì và rất nhiều loại bột khác. Tham khảo thêm các công thức nấu ăn ngon tại Bếp Eva mỗi ngày nhé.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/cach-lam-tran-chau-a26348