Sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, ngày 21/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2023.
Tiếp theo, nhiều trường sư phạm cũng đã công bố điểm sàn của các ngành học để thực hiện công tác tuyển sinh cho năm học 2023-2024 tới đây. Nhìn chung, những trường sư phạm vẫn đang tuyển tất cả các ngành học truyền thống đã đào tạo lâu nay và có thêm một số ngành học mới nhằm đáp ứng nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế mức điểm sàn các ngành học của nhiều trường sư phạm; về các môn học trong chương trình mới, chúng ta dễ dàng nhìn thấy một số ngành học sẽ gặp khó khăn về việc làm trong những năm tới đây. Bởi lẽ, nhiều môn học của chương trình 2018 đã khác với chương trình 2006 trước đây rất nhiều.
Một số môn học cũ đã được tích hợp thành môn học mới ở cấp trung học cơ sở ( Ảnh minh họa vtv.vn)
Nhu cầu về nhân lực một số môn học tới đây sẽ ít dần
Theo hướng dẫn của Bộ, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Việc Bộ xác định ngưỡng điểm sàn đối với ngành sư phạm là cần thiết nhằm đảm bảo đầu vào cho các nhà trường và cũng là bước chuẩn bị để nhân lực của ngành giáo dục trong tương lai đáp ứng được yêu cầu thực tiễn giảng dạy.
Những ngày qua, nhiều trường sư phạm trên cả nước đã công bố mức điểm sàn đối với các ngành học. Theo danh sách các ngành học mà những trường đại học đã công bố, đa số các ngành học mà lâu nay đã đào tạo vẫn tiếp tục tuyển sinh.
Tuy nhiên, thực tế việc tuyển dụng nhân sự một số ngành học trong những năm vừa qua ở nhiều địa phương đã chững lại, đó là nhân sự cho các môn học: Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí.
Trước đây, khi thực hiện chương trình 2006 và kể cả hàng chục trở về trước, các môn: Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí là 5 môn học bắt buộc, hoàn toàn độc lập ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Vì thế, nhu cầu nhân lực cần nhiều hơn.
Thế nhưng, khi thực hiện chương trình 2018, 5 môn học độc lập ở cấp trung học cơ sở trước đây đã tích hợp thành 2 môn học mới: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Ở cấp trung học phổ thông, chỉ còn môn Lịch sử là môn học bắt buộc, 4 môn học còn lại đã xếp vào nhóm môn học lựa chọn cho các tổ hợp.
Vì vậy, hàng chục năm qua, những sinh viên sư phạm các ngành học: Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí khi ra trường đều có thể giảng dạy được cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông mà không có rào cản nào.
Nếu bậc tiểu học bố trí dạy theo môn sẽ giải được bài toán thiếu giáo viênNhưng, khi thực hiện chương trình mới, sinh viên sư phạm các ngành học này chỉ có thể dạy ở cấp trung học phổ thông hoặc làm giảng viên ở các trường đại học mới đúng chuyên ngành đào tạo.
Nhân sự cấp trung học cơ sở bây giờ đã hạn chế tuyển dụng giáo viên Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí vì chương trình mới đã không còn những môn học này.
Giờ đây, những sinh viên tốt nghiệp 5 chuyên ngành trên muốn dạy ở cấp trung học cơ sở bắt buộc phải học thêm chứng chỉ tích hợp theo quy định của Bộ mới đạt chuẩn trình độ theo hướng dẫn của Điều 72, Luật Giáo dục 2019.
Bên cạnh đó, 5 môn học: Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí ở cấp trung học phổ thông chỉ còn môn Sử là môn học bắt buộc nên về cơ bản số tiết đã giảm xuống vì 4 môn đã là môn lựa chọn nên số học sinh đăng ký học cũng sẽ không bằng bắt buộc như trước đây.
Vì vậy, chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc chương trình 2006, nhu cầu nhân lực của 5 môn học Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí sẽ tiếp tục giảm xuống là điều dễ nhìn thấy ngay từ bây giờ.
Cần tính toán kỹ nhu cầu tuyển các ngành
Năm nay, một số trường sư phạm đã có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ra trường nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các trường trung học cơ sở để giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, 2 năm qua, các địa phương cũng đã tận dụng nguồn lực hiện có để mở nhiều lớp bồi dưỡng giáo viên tích hợp theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ để về giảng dạy 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.
Hơn nữa, ở một số trường trung học cơ sở đang có xu hướng thừa khi 5 môn học độc lập đã được “tích hợp” thành 2 môn nên nhiều giáo viên Hóa học; Sinh học; Vật lí được sắp xếp làm nhân viên thiết bị ở các nhà trường.
Nhân lực ngành sư phạm nhìn từ những con sốVì vậy, không chỉ học sinh lớp 12 năm nay đăng ký dự tuyển vào các ngành học: Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí có thể sẽ hạn chế cơ hội về việc làm khi ra trường.
Thậm chí, ngay cả những sinh viên sư phạm đang học các ngành này trong những năm qua cũng sẽ gặp khó khăn khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có nhiều thay đổi về môn học.
Hiện nay, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra ở các địa phương, các nhà trường. Một số môn đặc thù như: Âm nhạc; Mĩ thuật; Tiếng Anh; Tin học; giáo viên mầm non, tiểu học đang thiếu nhưng nhiều môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lại đang thừa. Việc tuyển dụng hằng năm nhỏ giọt dẫn đến nhiều giáo sinh khó khăn tìm kiếm việc làm.
Điều này đặt ra một bài toán thách thức cho toàn ngành giáo dục. Nếu như các địa phương không có những dự báo về nhân sự chính xác, không có những định hướng tốt cho học sinh lớp 12 thì nhiều em sẽ đăng ký vào một số ngành học mà cơ hội việc làm những năm tới sẽ không nhiều.
Việc đào tạo và học những ngành học có nhu cầu nhân lực thấp trong những năm tới sẽ lãng phí nhiều thứ. Đó là sinh hoạt phí mà hàng năm nhà nước cấp cho sinh viên sư phạm; chi phí của phụ huynh đầu tư cho con em mình; công sức, thời gian học tập của nhiều sinh viên…
Cùng với đó, tuổi nghỉ hưu của giáo viên đã được tăng lên; 5 môn học: Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí ở cấp trung học cơ sở đã trở thành các phân môn trong 2 môn học mới; cấp trung học phổ thông đã có 4/5 môn học là môn lựa chọn…
Vì thế, nếu học sinh không có sự tham khảo kĩ trong việc chọn lựa ngành học thì e rằng nhiều thí sinh sẽ gặp khó khăn trong tương lai khi tìm kiếm cơ hội đứng lớp ở các trường phổ thông.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/nganh-su-pham-5-nam-toi-a27083