Chiến thắng gây chấn động chính trường Thái Lan

Chiến thắng ngoài sự tưởng tượng

Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được cho là cao kỷ lục, với 75,2% cử tri đi bỏ phiếu. Giới phân tích cho rằng tỉ lệ này phản ánh sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri đối với những chính sách thay đổi đất nước của 2 đảng đối lập, vốn được xem là những kình địch lớn nhất của quân đội. Đây cũng là những đảng chính trị đã thề quyết tâm “đưa quân đội trở lại doanh trại”, không còn can thiệp vào chính trị nữa.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố ngày 15/5 cho thấy đảng Move Forward giành được nhiều ghế đại biểu nhất, với 151 ghế, kế đến là đảng Pheu Thai của nhà Shinawatra với 141 ghế. Tiếp theo sau là các đảng nhỏ khác, trong khi đảng United Thai Nation của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chỉ giành được 36 ghế, thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, số ghế này vẫn đủ để ông Prayuth Chan-ocha tiếp tục tranh cử thủ tướng, trong trường hợp ông có thể tập hợp một liên minh.

Bất kỳ đảng đối lập nào muốn nắm quyền đều cần phải thành lập một liên minh có số lượng đủ mạnh để vượt qua một hệ thống phê chuẩn luôn thiên vị cho các ứng cử viên được quân đội hậu thuẫn. Vì vậy, ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố và lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat tuyên bố thắng cử hôm 15/5, các cuộc thương lượng, đàm phán xây dựng liên minh đã bắt đầu. Cũng ngay sau đó, hai đảng lớn nhất Move Forward và Pheu Thai đã nhất trí hợp tác với nhau để quyết tâm giành lấy chính quyền. Theo sau đó là các đảng khác cũng tham gia liên minh. Tổng cộng liên minh cầm quyền đến thời điểm này bao gồm 6 đảng phái chính trị đạt số ghế cao nhất trong cuộc bầu cử.

Đảng Move Forward đã gây sốc ngay cả với một số người ủng hộ mình khi vượt quá mong đợi trong cuộc bầu cử. Việc đảng này so kè với đảng Pheu Thai trong quá trình kểm phiếu là điều chưa từng xảy ra, vì vậy việc đảng này vượt qua cả đảng Pheu Thai để dẫn đầu số ghế giành được đã tạo nên cơn chấn động lớn trong chính trường Thái.

2_image004.jpg -0
Bà Paetongtarn Shinawatra của đảng Pheu Thai.

Ken Mathis Lohatepanont, một nhà bình luận chính trị, nói rằng kết quả bầu cử chấn động này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chính trị Thái Lan. Trong 2 thập kỷ qua, các đảng liên quan đến gia đình Shinawatra đã nhiều lần tỏ ra bất khả chiến bại trong bầu cử, giành được nhiều ghế nhất trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok mô tả kết quả này là “đáng kinh ngạc” và “lịch sử”. Ông nói Pheu Thai đã vận động bằng cách sử dụng cách tiếp cận cũ của các chính sách dân túy, nhưng đảng Move Forward đã “đưa cuộc chơi lên một tầm cao mới với cải cách thể chế. Đó là một mặt trận mới trong chính trường Thái Lan”. “Chiến thắng lớn của Move Forward chứng tỏ rằng nền chính trị kiểu cũ được thúc đẩy bởi các mạng lưới bảo trợ ở địa phương không còn có thể đảm bảo chiến thắng ở cấp quốc gia. Điều này báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên thống trị bầu cử của gia đình ông Thaksin Shinawatra”, ông Lohatepanont nói.

Nguyên nhân giành chiến thắng lịch sử của đảng Move Forward được cho là xuất phát từ việc đảng này đã xây dựng được một nền tảng ủng hộ trung thành và gắn kết trong giới trẻ Thái Lan, những người đã chán ngấy với hiện trạng chính trị. Đảng đã hứa sẽ thúc đẩy loại bỏ quân đội khỏi chính trị - một cam kết gây được tiếng vang với những người trẻ tuổi đã trải qua 2 cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và 2014. Đảng cũng hứa hẹn xử lý các công ty độc quyền hùng mạnh đang thống trị nền kinh tế Thái Lan và cải cách luật khi quân, theo đó những lời chỉ trích chế độ quân chủ có thể bị trừng phạt lên tới 15 năm tù. Trước ngày bầu cử, nhiều tiếng nói cử tri trẻ tuổi đã bày tỏ sự kỳ vọng của họ vào những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống chính trị. Và, giới trẻ đã đặt kỳ vọng đó vào một ứng cử viên thủ tướng có tuổi đời cũng khá trẻ, đó là ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward.

Tấn công thành trì “luật khi quân”

Napon Jatusripitak, một thành viên khách mời tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, cho biết đây là một khoảnh khắc “cực kỳ quan trọng”. Và, tất nhiên đảng thắng cử Move Forward sẽ tuyên bố đây là một dấu hiệu cho thấy Thái Lan đã sẵn sàng cho những cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, bất kể là thể chế nào.

3_image008.jpg -0
Đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha.

Theo Hiến pháp Thái Lan, chế độ quân chủ được tôn vinh là “sự thờ phụng tôn kính” và được bảo vệ bởi một trong những luật về tội khi quân nghiêm khắc nhất thế giới. Bất kỳ ai nói bất cứ điều gì bị coi là chỉ trích hoặc xúc phạm nhà vua, kể cả là châm biếm, có thể bị phạt tù tới 15 năm.

Nhưng, lần đầu tiên, luật khi quân đã được các đảng chính trị thảo luận một cách công khai, cởi mở trong thời gian vận động tranh cử trước ngày bầu cử và Move Forward là đảng duy nhất cam kết cải cách luật này.

Sự công khai đòi cải cách luật khi quân bắt đầu diễn ra sau phong trào xuống đường biểu tỉnh chưa tưng có của thanh niên vào năm 2020 để thách thức luật đó và kêu gọi cắt giảm ngân sách hoàng gia cũng như hạn chế ảnh hưởng chính trị của hoàng gia. Kể từ đó, hơn 240 người đã bị buộc tội với các tội xúc phạm uy quyền, từ các bài phát biểu chính trị và các bài đăng trên Facebook cho đến kiểu cách ăn mặc sang trọng. Những người biểu tình trẻ tuổi bị bắt do luật khi quân đã được các chính trị gia của Move Forward bảo lãnh và một số thậm chí đã trở thành ứng cử viên của đảng trong cuộc bầu cử ngày 14/5 và giành được ghế. Pavin Chachavalpongpun, một giáo sư và nhà phê bình chế độ quân chủ sống lưu vong, đã mô tả kết quả bầu cử là một “bước ngoặt lớn trong bối cảnh chính trị của Thái Lan”.

Ông nói, một vấn đề “từng là điều cấm kỵ giờ đã trở thành xu hướng chủ đạo”. Tuy nhiên, việc thực hiện các thay đổi đối với luật sẽ khó khăn do Move Forward chưa tập hợp đủ lực lượng hùng mạnh để vượt qua mọi rào cản chính trị. Ngay trong liên minh cầm quyền cũng không phải ai cũng nhất trí với quan điểm cải cách hay hủy bỏ đạo luật khi quân này. Chẳng hạn, đảng Pheu Thai cho biết, vấn đề “cải cách luật khi quân” nên được thảo luận tại Quốc hội và phản đối mạnh mẽ việc hủy bỏ luật này, trong khi các đảng bảo thủ đều phản đối quyết liệt bất kỳ sự thay đổi nào.

Doanh nhân trẻ làm dậy sóng chính trường

Ông Pita Limjaroenrat, nhà lãnh đạo của đảng Move Forward, cho biết sẽ giữ lời hứa từ chối tham gia liên minh với các tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính vừa qua. Năm nay mới 42 tuổi, ông Pita Limjaroenrat lớn lên trong một gia đình chính trị. Cha của ông, Pongsak Limjaroenrat, là cố vấn của Bộ Nông nghiệp và chú của ông, Padung Limcharoenrat, là phụ tá thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Chính thời gian học tập ở New Zealand khi còn là một thiếu niên đã thực sự khơi dậy tình yêu của ông đối với chính trị.

Giới trẻ Thái Lan kỳ vọng sự thay đổi từ ông Pita Limjaroenrat.

“Tôi được chuyển đến một nơi xa xôi hẻo lánh ở New Zealand và hồi đó tôi chỉ có các chọn lựa hoặc là xem phim truyền hình dài tập của Australia hoặc xem các cuộc tranh luận tại Quốc hội”, ông nói với chương trình Aim Hour trên YouTube của Thái Lan. Ông Limjaroenrat bắt đầu lắng nghe các bài phát biểu của Thủ tướng New Zealand lúc đó là Jim Bolger khi làm bài tập về nhà.

Ông Pita Limjaroenrat tốt nghiệp Đại học Thammasat ở Bangkok, trước khi học thạc sĩ về chính sách công tại Đại học Harvard và lấy bằng MBA tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Ông từng là Giám đốc điều hành của Grab Thái Lan, một ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn, trước khi tham gia chính trường. Pita được ca ngợi vì phong cách tranh luận kiên quyết nhưng lịch sự và ông được giới trẻ Thái Lan kỳ vọng cho vị trí thủ tướng mới của Thái Lan.

Điều gì cũng có thể xảy ra

Theo luật pháp Thái Lan, kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được xác nhận và công bố 60 ngày sau bầu cử. Một phiên họp chung giữa Hạ viện và Thượng viện sẽ được tổ chức vào tháng 7 để chọn thủ tướng mới. Thủ tướng tương lai của Thái Lan sẽ được bầu chọn không chỉ bởi Hạ viện 500 ghế, trong đó tư cách thành viên được quyết định bởi lá phiếu dân bầu mà còn bởi Thượng viện, nơi có 250 thành viên được quân đội bổ nhiệm sau cuộc đảo chính vừa qua. Điều khó khăn đối với các đảng đối lập chính là ở chỗ này. Vì vậy, ngay sau khi đạt thỏa thuận liên minh với đảng Move Forward, bà Paetongtarn Shinawatra của đảng Pheu Thai đã lên tiếng cảnh báo quân đội phải tôn trọng tiếng nói của người dân Thái Lan, tôn trọng kết quả bầu cử để tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.

Một nhà hoạt động có tên Sainam nói rằng, ngay cả khi đảng Move Forward liên minh với Pheu Thai và một số đảng phái để nắm số lượng ghế đông đảo, các đối thủ của liên minh này cũng có thể tìm cách phá hoại kết quả bầu cử. “Tôi hy vọng nền dân chủ sẽ giành chiến thắng nhưng điều gì cũng có thể xảy ra. Ủy ban Bầu cử có thể làm bất cứ điều gì. Với 250 thượng nghị sĩ do quân đội chỉ định, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra...” - Sainam nói.

Điều này làm dấy lên lo ngại các vụ kiện pháp lý có thể trở thành vũ khí chống lại liên minh các đảng đối lập. Người ta còn nhớ những lần Tòa án Hiến pháp đóng cửa các đảng phái chính trị đối lập với quân đội, như việc đóng cửa đảng Future Forward (tiền thân của đảng Move Forward) vào năm 2020, hay như đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin và một số đảng thân Thaksin khác bị đóng cửa trước đó cũng vì những phiên tòa.

Link nội dung: https://topnow.edu.vn/truong-thai-lan-moi-nhat-a27740