Nhật thực hình khuyên hiếm gặp diễn ra cuối tuần này
Trong số các hiện tượng thiên văn đáng chú ý, nhật thực và nguyệt thực là đáng chú ý hơn cả, vì nó làm thay đổi màu sắc và ánh sáng phát ra một cách rõ rệt nhất.
Điều thú vị là trong tháng 10 này, cả nhật thực và nguyệt thực sẽ cùng diễn ra. Trong đó, nhật thực "hình khuyên" sẽ xảy ra vào cuối tuần này (14/10), và nguyệt thực một phần có thể được quan sát vào ngày 29/10.
Sở dĩ có tên gọi nhật thực "hình khuyên" là do nó xảy ra khi Mặt Trăng xen vào giữa Trái Đất và Mặt Trời, nhưng lại ở vùng quỹ đạo xa Trái Đất. Bởi vậy, Mặt Trăng không che được hoàn toàn Mặt Trời, và để lộ ra một phần dưới dạng một vòng sáng bao quanh nó, gọi là hình khuyên.
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), một số khu vực ở châu Mỹ, bao gồm toàn bộ nước Mỹ, một số khu vực thuộc Mexico, Trung Mỹ, Colombia và Brazil, sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên vào ngày 14/10.
Theo NASA, trong thời gian nhật thực hình khuyên, bầu trời sẽ tối hơn, mặc dù không tối như nhật thực toàn phần khi toàn bộ ánh sáng mặt trời bị chặn. Mặt trăng sẽ tiếp tục di chuyển ngang qua Mặt trời thêm một giờ 20 phút nữa, tạo ra một nhật thực một phần khác trước khi Mặt trăng khuất khỏi tầm nhìn.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Việt Nam và các quốc gia châu Á sẽ không thể quan sát được nhật thực hình khuyên này do chúng ta nằm ở phía đối diện của châu Mỹ.
Lần gần nhất người yêu thiên văn ở Việt Nam có thể quan sát được hiện tượng này là vào ngày 20/4. Tuy nhiên, do vị trí của chúng ta nằm ở dải xa nhất, nên chỉ nhìn thấy nhật thực bán phần, với độ che phủ nhỏ (khoảng 5,38%).
Vì sao có nhật thực?
Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi ngang qua Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất. Chúng chỉ có thể xảy ra khi pha của Mặt Trăng ở giai đoạn "trăng non", vì đó là khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt trời.
Tuy nhiên, quỹ đạo của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất nghiêng khoảng 5 độ so với Mặt Trời. Vì vậy, cả hai sẽ không thẳng hàng trong mỗi lần trăng non. Hay nói cách khác, đó là lý do tại sao không có nhật thực hàng tháng.
Ít ai biết rằng nhật thực xảy ra là một sự trùng hợp ngẫu nhiên cực kỳ hy hữu trong vũ trụ. Đó là bởi Mặt Trời lớn hơn Mặt Trăng của Trái Đất 400 lần, nhưng đồng thời Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất cũng ở phạm vi gần hơn 400 lần so với Mặt Trời.
Do đó khi Mặt Trăng thẳng hàng tuyệt đối với Mặt Trời, nó sẽ chặn toàn bộ ánh sáng phát ra từ Mặt Trời, tạo ra hiệu ứng "vòng lửa", hay còn gọi là "nhật thực vành khuyên", nhật thực toàn phần.
Cần lưu ý rằng nếu quan sát không đúng cách sẽ gây nguy hiểm khôn lường bởi bức xạ Mặt Trời phát ra rất mạnh. Trong khi đó, mắt của chúng ta dễ bị các tia cực tím gây bỏng giác mạc, đau đớn, mất thị lực trong nhiều giờ, thậm chí có thể gây đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Để quan sát nhật thực tốt nhất, bạn đọc có thể sử dụng rất nhiều phương thức khác nhau, trong đó dùng kính xem nhật thực là một trong những cách hiệu quả nhất.
Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, kính xem nhật thực đạt tiêu chuẩn cho phép không quá 0,00032% ánh sáng mặt trời xuyên qua bộ lọc của chúng.
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/hien-tuong-nhat-thuc-a29660