Trong giờ học tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (ảnh chỉ minh hoạ).
Để được tham gia hội giảng vòng huyện, vòng tỉnh, trước hết giáo viên phải tham gia hội giảng vòng trường. Thông thường, hội giảng vòng trường hầu như ít giáo viên nào bị… đánh rớt. Đến ngày hội giảng vòng huyện, thành phố, để bảo đảm cho tiết dạy của mình thành công, nhiều giáo viên (không phải tất cả) đã dùng “tiểu xảo”: cho những học trò có học lực “làng nhàng”… vắng mặt trong tiết hội giảng của mình (để các em khỏi làm ảnh hưởng đến buổi “trình diễn” của thầy/cô).
Theo quy định, sau khi giáo viên kết thúc tiết dạy, ban giám khảo sẽ kiểm tra kiến thức mà học sinh chiếm lĩnh được trong giờ dạy đó bằng cách cho làm bài kiểm tra 10 - 15 phút. Điểm số, kết quả bài kiểm tra nhanh của học sinh là một trong những điều kiện để ban giám khảo xem xét, quyết định tiết dạy của giáo viên có đạt yêu cầu hay không. Lớp học nào tỷ lệ học sinh yếu kém về học lực càng cao thì nguy cơ giáo viên trượt hội giảng càng lớn.
Để đối phó tình trạng này, không ít giáo viên một mặt cho học sinh yếu kém trong lớp đó nghỉ học như nói trên, một mặt “mượn đỡ” các em khá, giỏi của lớp khác- gọi là “nâng cao chất lượng” tiết dạy. Trong tiết hội giảng, nếu học sinh chăm phát biểu, tiết học sinh động, hấp dẫn thì càng được đánh giá cao. Học sinh khá giỏi sẽ làm tốt bài kiểm tra nhanh, điểm số do vậy sẽ cao hơn, cơ hội để được công nhận “giáo viên giỏi” cũng dễ dàng hơn. Có giáo viên vì không “mượn” được học sinh khá giỏi phải lùi tiết hội giảng sang ngày khác.
Ngoài chuyện mượn học sinh giỏi cho dễ dạy, không ít giáo viên còn tổ chức dạy trước bài học như một đợt “tập dượt” trước khi tiết dạy chính thức được tiến hành. Do đã được thầy cô “gà” bài trước nên trong tiết hội giảng của thầy/cô, các em học sinh thường hăng hái xung phong phát biểu. Những “chiêu thức” ấy cho thấy: chất lượng tiết dạy đã không phản ánh đúng thực chất trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tham gia hội giảng.
Một nhược điểm tồn tại khác trong phong trào hội giảng là tình trạng sính hình thức. Có những giáo viên được đồng nghiệp đánh giá cao về khả năng chuyên môn nhưng vẫn bị ban giám khảo cho “nốc ao” vì hồ sơ sổ sách không “đẹp”. Mới đây, một giáo viên ở huyện nọ dù tiết dạy được ghi nhận là tốt nhưng đã bị đánh rớt ở khâu hồ sơ sổ sách với lý do: giáo án không bọc bằng bìa cứng và sổ điểm cá nhân… hơi nhàu, cũ.
Chuyện về ban giám khảo hội giảng cũng là vấn đề. Hiện tại, thành viên trong ban giám khảo thường là hiệu phó, hiệu trưởng và một số giáo viên đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi. Trên thực tế, đã có nhiều giáo viên tham gia hội giảng bị đánh rớt chỉ vì người chấm… không hiểu gì về bài học, về đặc trưng môn học hoặc phương pháp dạy học của giáo viên.
Nguyên nhân là do nhiều hiệu trưởng, hiệu phó gần như không trực tiếp dạy học (mặc dù vẫn lãnh phụ cấp đứng lớp) nên không nắm được chuyên môn. Điều này dẫn đến tình trạng có những vị giám khảo tuy nắm quyền “cầm cân nảy mực” song lại có những lời nhận xét, đánh giá không đủ sức thuyết phục về tiết dạy của giáo viên.
Có người cả chục năm không đứng lớp (trong khi sách giáo khoa đã thay đổi) nhưng vẫn làm… tổ trưởng tổ giám khảo. Có những giáo viên chưa bao giờ tham gia hội giảng, ra trường chỉ dạy được một vài năm rồi chuyển qua làm công tác phong trào nhưng lại thường xuyên đi chấm hội giảng.
Có một chuyện tế nhị mà nhiều giáo viên của một trường nọ đã phản ánh như sau: trước khi tham gia hội giảng, họ được hiệu trưởng nhà trường gợi ý đóng từ 400.000 - 500.000 đồng để… mời cơm trưa ban giám khảo (dù rằng những người đi chấm hội giảng đã có chế độ riêng). Có người lương tháng chỉ hơn vài triệu đồng nhưng cũng phải bấm bụng chi số tiền trên vì… lo cho kết quả hội giảng!
Mục đích ban đầu, lớn nhất của hoạt động thao giảng, hội giảng trong ngành Giáo dục là để giáo viên học hỏi lẫn nhau về chuyên môn cũng như cách thức dạy học. Đây là mục đích tốt đẹp, chính đáng nhưng trong thực tế càng về sau, phong trào thi đua ngày càng biến tướng theo hướng tiêu cực.
Trước đây báo Tây Ninh từng đưa tin, trong một cuộc giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục, có một vị lãnh đạo tỉnh đã nhận xét tuy nhẹ nhàng mà thấm thía: “Những giáo viên thật sự giỏi thì không tham gia hội giảng”.
Để hoạt động hội giảng- một hoạt động có tính chuyên môn cao trở về mục đích tốt đẹp ban đầu của nó, thiết nghĩ ngành Giáo dục cũng cần quan tâm việc chấn chỉnh một cách triệt để những hiện tượng phổ biến nêu trên.
VIỆT ĐÔNG
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/hoi-giang-la-gi-a48935