Muốn bổ dương, ăn chim gì?

Muốn bổ dương, ăn chim gì?

Người ta có thể sử dụng chim sẻ bằng nhiều hình thức như quay, rán, nướng, nấu cháo, ngâm rượu...

Những người thể chất thiên về dương hư hoặc mắc các chứng bệnh thuộc thể dương hư biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh, tay chân lạnh, dễ bị cảm lạnh, suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, lưng đau gối mỏi, phòng sự hay bị vã mồ hôi và toát lạnh... có thể dùng những món ăn, bài thuốc từ thịt chim sẻ.

Chim sẻ, tên khoa học là Passer monlanus malaccensis Dubois, còn gọi là ma tước, tước điểu, gia tước, ngõa tước, tân tước, thụ ma tước..., là một loài chim từ lâu đã được y học cổ truyền ngợi ca là một trong những vị thuốc có công dụng bổ thận tráng dương độc đáo. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt chim sẻ vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng bổ ngũ tạng, tráng dương, ích khí, được dùng để chữa suy nhược cơ thể, tạng phủ hư tổn, gầy yếu khó thở, nhất là người cao tuổi thận khí suy nhược, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm, phụ nữ sau khi đẻ mỏi mệt, đau lưng, khí hư, nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục; tiết chim sẻ vị ngọt, tính ấm, có công dụng dưỡng âm, bổ huyết, cường dương, được dùng cho những người yếu mệt, kém sinh lý, hay hoa mắt chóng mặt, nhức đầu do thiếu máu và suy nhược; trứng chim sẻ vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh tủy và làm sáng mắt, được dùng cho nam giới liệt dương, thiểu tinh, thận lạnh; nữ giới huyết khô, băng lậu, đới hạ.

Thịt chim sẻ có thế chế biến thành nhiều món ăn, bài thuốc bổ dưỡng

Người ta có thể sử dụng chim sẻ bằng nhiều hình thức như quay, rán, nướng, nấu cháo, ngâm rượu... Nhưng để đạt được hiệu quả bổ thận, tráng dương tốt nhất, cổ nhân thường phối hợp dùng chim sẻ với một số vị thuốc và chế biến thành những món ăn - bài thuốc độc đáo như:

- Chim sẻ 5 con, chim bồ câu non 1 con làm thịt, bỏ lòng, chặt nhỏ, sấy khô, tán thành bột mịn; đỗ trọng 120g sao tồn tính, tán nhỏ cùng với 5g muối rang. Trộn đều hai loại bột, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với ít rượu vào lúc đói.

- Chim sẻ 12 con làm thịt, bỏ ruột, chặt miếng, ninh nhừ với 6g đông trùng hạ thảo và 2 lát gừng tươi, ăn trong ngày.

- Chim sẻ 5 con làm thịt, bỏ ruột, tẩm rượu, chặt nhỏ; kỷ tử 20g, thỏ ty tử 10g, phúc bồn tử 10g, ngũ vị tử 6g. Tất cả đem sắc với 600ml nước còn 200ml. Lấy nước sắc này nấu cháo với thịt chim, khi chín chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

- Chim sẻ 3-5 con làm thịt bỏ nội tạng rồi đem hầm cùng với thỏ ty tử 10g, kỷ tử 10g, hạt hẹ 10g, ba kích 10g (các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng), khi nhừ bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng.

- Chim sẻ 20 con nhổ bỏ lông sấy khô, đương quy 20g, kỷ tử 50g, long nhãn 50g, xuyên khung 20g, thỏ ty tử 40g, ba kích 50g, nhục thung dung 50g, dâm dương hoắc 100g, đại táo 100g, nhục quế 10g. Tất cả đem ngâm với 5 lít rượu trắng, sau 1 tháng có thể dùng được, mỗi ngày uống 15-20ml. Đây là loại rượu tráng dương rất độc đáo.

- Chim sẻ 5 con, thịt lợn nạc 250g, một chút rượu vang, bột gạo và gia vị vừa đủ. Chim sẻ làm thịt, bỏ nội tạng rồi đem băm nhuyễn cùng với thịt lợn, trộn đều cùng với rượu vang, bột gạo và gia vị rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, đem rán vàng, ăn nóng cùng rau thơm.

- Chim sẻ 5 con, gạo tẻ 100g, 3 củ hành trắng. Chim sẻ làm thịt, bỏ nội tạng, dùng dầu ăn rán vàng rồi cho vào nồi cùng với gạo tẻ và một chén rượu trắng nấu thành cháo, khi chín bỏ hành, chế đủ gia vị, ăn nóng.

- Chim sẻ 3-5 con, làm thịt bỏ nội tạng, rửa sạch để ráo nước, xát lên mình chim một lớp muối rồi ướp trong 2 giờ. Dùng một lượng bột tiểu hồi, hạt tiêu, sa nhân và nhục quế vừa đủ nhét vào trong bụng chim rồi đem nướng chín, ăn nóng.

Chú ý: Những người thể chất thiên về âm hư, hoặc mắc các chứng bệnh rối loạn tình dục thuộc thể âm hư hỏa vượng: người gầy, nóng trong, mặt đỏ, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực rạo rực không yên, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, đổ mồ hôi trộm, miệng khô, họng khát, hay hoa mắt, chóng mặt, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ... thì không nên ăn thịt chim sẻ.

Theo kinh nghiệm của cổ nhân, vào mùa xuân và mùa hạ không nên ăn thịt chim sẻ cùng gan lợn và cũng không nên ăn cùng với đồ biển trong cả bốn mùa.

ThS. Hoàng Khánh Toàn/SKĐS

Link nội dung: https://topnow.edu.vn/chim-nao-co-the-an-a52856