Hướng dẫn cách làm bánh gối ngon, đơn giản chuẩn vị Hà Nội
Hướng dẫn cách làm bánh gối ngon, đơn giản chuẩn vị Hà Nội
Bánh gối (hay còn gọi là bánh xếp hoặc bánh quai vạc) là món bánh khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Loại bánh này có bắt nguồn từ bánh há cảo chiên của người Hoa. Đặc trưng của bánh là có lớp vỏ bánh khi chiên lên giòn tan, thơm lừng. Nhân bánh được làm từ nấm mộc nhĩ, cà rốt, miến, thịt heo, trứng cút. Tùy theo từng vùng miền mà nhân bánh sẽ được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị và đặc điểm ở nơi đó.
Thông thường, có hai loại bánh gối thông dụng nhất. Kiểu thứ nhất là vỏ bánh phồng rộp, khá mỏng, khi nhai có cảm giác giòn rùm rụm. Kiểu thứ hai là vỏ bánh nhẵn mịn, giòn và có nhiều lớp. Trong bài viết này, Lam Sơn Food sẽ hướng dẫn cho các bạn cách làm bánh gối với lớp vỏ bánh giòn rụm, nhân truyền thống cùng với cách pha nước chấm chuẩn chỉnh hương vị đặc trưng.
Nguyên liệu cần thiết làm bánh gối
Vỏ bánh
190g bột mì
130ml nước lọc
95g bột gạo
2 thìa canh dầu ăn
Đường
Muối
Bột nghệ
Nhân bánh
200g thịt heo xay
1 cây lạp xưởng (tùy khẩu vị)
10 - 15 quả trứng cút
100g củ đậu (củ sắn)
50g cà rốt
50g miến khô
10g mộc nhĩ khô
2 củ hành khô
Muối
Nước mắm
Tiêu
Dưa góp
50g cà rốt tươi
100g đu đủ xanh
Muối
Đường
Giấm
Nước chấm chua ngọt
360ml nước lọc
Đường
Nước mắm
Giấm
Tương ớt
Rau sống
Rau xà lách, lá tía tô, kinh giới, rau mùi,…
Hướng dẫn cách làm bánh gối đơn giản tại nhà
Bước 1: Làm vỏ bánh
Để tiết kiệm thời gian cho các công đoạn sau, bạn có thể mua sẵn vỏ bánh gối hoặc bột pha sẵn được bán ở các hàng chuyên dụng.
Trộn đều tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị cho phần vỏ bánh vào trong một thau lớn cho tới khi thu được một khối bột đồng nhất. Thực hiện nhồi bột cho tới khi bột không còn dính tay thì bọc kín thau bột bằng màng bọc thực phẩm rồi ủ bột trong khoảng từ 30 - 60 phút ở nhiệt độ phòng.
Khối bột sau khi ủ đủ thời gian sẽ trở nên mềm, thớ bột mịn và dẻo hơn. Vẩy nhẹ ra bàn một ít bột mì làm bột áo ngoài để bột khi cán không bị dính lên bàn và dụng cụ cán, chia khối bột đã ủ làm 3 phần rồi lần lượt cán mỏng. Phần bột chưa thao tác tới cần được che kín để tránh bị khô khi tiếp xúc với không khí.
Cán cho bột mỏng khoảng 2mm là vừa, sau đó dùng khuôn cắt bột thành những hình tròn có đường kính khoảng 10 - 15 cm. Nếu không có khuôn cắt, bạn có thể dùng miệng chén làm khuôn rồi dùng rao cắt bột theo hình tròn.
Bước 2: Làm nhân bánh
Tùy theo sở thích và khẩu vị mà bạn có thể gia giảm lượng nguyên liệu trên công thức sao cho phù hợp nhất nhé.
Thịt lợn xay nên sử dụng thịt vai có cả nạc cả mỡ, như vậy khi ăn nhân sẽ mềm và ngọt hơn.
Củ đậu và cà rốt rửa sạch, gọt vỏ rồi thái hạt lựu nhỏ, vắt bớt nước nếu thấy củ đậu ra quá nhiều nước trong quá trình cắt thái.
Trứng cút mua về rửa sạch bụi bẩn, đem luộc chín và bóc vỏ.
Miến khô sau khi mua về thì rửa sạch, ngâm nở và cắt khúc 1-2 cm. Miến ngoài việc tăng hương vị cho món ăn thì còn có tác dụng hút lượng nước bị dư thừa trong nhân nên lưu ý chỉ cần ngâm miến cho hơi hơi mềm.
Tương tự, mộc nhĩ mua về cũng rửa sạch, ngâm nở rồi băm nhỏ. Phần lạp xưởng đã chuẩn bị đem thái hạt lựu vừa ăn. Hành khô bỏ vỏ, rửa thật sạch rồi băm nhỏ đem phi thơm.
Bạn trộn đều tất cả các nguyên liệu đã được sơ chế vào một tô lớn rồi ướp hỗn hợp trong khoảng 15 - 20 phút là có thể đem gói.
Bước 3: Làm dưa góp ăn kèm
Xem thêm: Hướng dẫn cách làm sủi cảo tôm thịt ngon và đơn giản
Bánh gói sau khi làm xong đã có thể ăn kèm nước mắm pha hoặc tương ớt đều ngon. Tuy nhiên, nên ăn kèm với dưa góp cùng rau sống sẽ giúp tăng hương vị của món ăn hơn.
Cà rốt rửa sạch, sau đó gọt vỏ và bào mỏng. Đu đủ xanh mua về rửa sạch, gọt vỏ, cạo hết ruột sau đó rửa sạch rồi thái mỏng. Tiếp theo, ngâm đu đủ trong nước muối pha loãng trong khoảng 5 phút, rồi mang đi rửa sạch lại và để ráo.
Cà rốt và đu đủ sau khi sơ chế đem trộn đều với muối, đường, giấm và ướp ít nhất 15 phút trước khi ăn để dưa góp ngấm vị và giòn hơn.
Bước 4: Pha nước chấm và sơ chế rau ăn kèm
Hòa tan 6 thìa canh đường, 3 thìa canh nước mắm ngon, 3 thìa canh giấm, 2 thìa canh tương ớt cùng với 360ml nước lọc. Nêm nếm lại và gia giảm nguyên liệu sao cho nước chấm vừa khẩu vị của bạn.
Phần rau sống bạn chỉ cần nhặt kĩ rồi rửa sạch để cho ráo nước là đã có thể dùng. Nếu bạn vẫn lo lắng rau chưa được sạch thì cũng có thể ngâm rau với nước muối pha loãng trong khoảng 3 - 5 phút rồi rửa sạch lại với nước.
Bước 5: Gói bánh và rán bánh
Chia nhân cho đều với lượng bánh dự định làm. Cho nhân bánh và trứng cút vào giữa phần vỏ. Sau đó bôi nước vào viền bột gấp lại thành hình bán nguyệt, miết chặt và thực hiện gập viền bánh. Bước này vừa giúp chiếc bánh trông đẹp hơn, vừa có tác dụng giữ cho mép bánh không bị bung trong quá trình chiên rán.
Bạn đổ dầu sấp mặt bánh rồi bật bếp ở lửa lớn cho dầu nóng lên. Khi dầu nóng, thả bánh vào chiên lần 1 với lửa vừa, cho tới khi vỏ bánh phồng lên, ngã vàng thì gắp ra để ráo dầu.
Trước khi dùng bánh thì đun nóng dầu rồi thả bánh vào chiên lần 2 cho vàng giòn. Gắp bánh ra để cho ráo dầu rồi thưởng thức.
Bước 6: Hoàn thành và trang trí món ăn
Xem thêm: Chia sẻ cách làm bánh xèo 3 miền ngon chuẩn vị
Bánh gối sau khi chiên vàng, bạn cho ra dĩa trang trí cùng dưa góp và rau sống. Ăn cùng với phần nước chấm đã chuẩn bị.
Những điều cần lưu ý khi làm bánh gối
Thành phần chính của vỏ bánh trong công thức là bột gạo, giúp tăng độ giòn rụm cho vỏ bánh. Bạn có thể thay thế hoàn toàn vỏ bánh bằng bột mì. Khi thành phẩm, vỏ bánh làm bằng bột mì để một lúc sẽ có cảm giác dai nhẹ khi ăn.
Bạn có thể tăng hoặc giảm lượng nước trong công thức 15ml tùy theo loại bột mà bạn sử dụng. Vì bột cũ sẽ hút nước nhiều hơn bột mới nên có thể tự điều chỉnh cho phần vỏ bánh ngon nhất. Nếu bạn dùng máy để trộn bột, bạn chỉ cần thao tác trong khoảng từ 5 - 10 phút tùy công suất máy.
Vỏ bánh sau khi cắt nếu chưa dùng ngay thì nên xoa một lớp mỏng bột mì lên mặt, xếp chồng lên nhau rồi bọc kín để tránh cho lớp vỏ bị khô. Có thể bảo quản vỏ bánh chưa sử dụng đến trong ngăn đá tủ lạnh hoặc cấp đông. Khi cần dùng bạn để rã đông qua đêm trong tủ mát rồi thực hiện như bình thường.
Bánh gối thành phẩm có lớp vỏ vàng đều, phồng rộp và giòn rụm. Bánh không nứt, không sũng nước, sũng dầu là đạt chuẩn. Khi ăn, vỏ bánh mỏng, giòn, nhân bánh ngon ngọt hòa quyện, không quá mặn, ăn cùng nước chấm chua ngọt hài hòa.
Đây quả thực là công thức đơn giản, dễ làm phải không nào? Hy vọng công thức bánh gối mà Lam Sơn Food chia sẻ sẽ giúp mùa đông của các bạn ấm áp hơn. Chúc các bạn thành công với món bánh gối. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số công thức khác để thức đơn trong mỗi bữa ăn trở lên đa dạng hơn. Nếu cần thêm bất kỳ sự hỗ trợ nào khác hãy liên hệ trực tiếp cho chúng tôi!