Edward Hopper: Người họa sĩ vẽ nỗi cô đơn

Edward Hopper: Người họa sĩ vẽ nỗi cô đơn

London một ngày tháng ba, giờ tan tầm, trên một con đường lớn, chỉ có duy nhất một bóng người đang sắp bước qua đường, thành phố hoàn toàn im ắng.

Tấm ảnh được một phóng viên chụp lại cho tờ New York Times chìm trong một sự im ắng tịch mịch lạ thường, nhưng lại nói lên tất cả những gì về thế giới ta đang sống: những con người đô thị đã phải dịch chuyển từ cuộc sống bên ngoài để thu vén cho mình một khoảng không riêng chật hẹp, cắt đứt những kết nối hữu hình.

Bình thường, ta nói về những khác biệt, Paris khác với London ra sao, New York lại khác với Paris thế nào. Hemingway viết, London là một câu đố còn Paris là lời giải đáp. Dorothy Parker viết, London thỏa mãn, Paris buông bỏ, New York luôn ngập tràn hy vọng.

Angela Carter lại nói, thành phố đều có giới tính: London là đàn ông, Paris là phụ nữ, New York hoán chuyển giới tính thành thạo. Nhưng những điều ấy có lẽ chỉ đúng khi không gian chung của London, Paris và New York bị chiếm lãnh bởi con người; còn giờ, khi họ đã ẩn náu trong những cơ ngơi riêng, các thành phố đều có vẻ như nhau, trầm mặc và xanh xao, như thể đã bị bỏ hoang, như thể hậu tận thế.

Trong thế giới mà con người phải thoái lui về những góc khuất và dạt ra khỏi một đời sống chung, trên các trang mạng xã hội người ta bỗng chia sẻ cho nhau những bức tranh của cố danh họa Edward Hopper, những bức tranh đã được vẽ từ hơn nửa thế kỷ trước, nhưng vô tình lại nắm bắt hoàn hảo cuộc sống cách ly, phong tỏa trong những đại đô thị.

"Vào thập niên 1920, khi F. Scott Fitzerald biên niên về những bữa tiệc linh đình của thời đại jazz thì Edward Hopper lại phác họa những con người trông như thể cả đời này họ chưa từng được ai mời đi ăn tiệc", cây bút phê bình nghệ thuật Jonathan Jones viết.

Bức tranh “Mặt trời trong căn phòng trống”.

Một người phụ nữ ngồi một mình trong phòng chờ tranh tối tranh sáng, một quán cafe đêm vắng vẻ, những người sưởi nắng trên ban công nhà mình, một người cúi đầu ngồi trên hè phố, một người bó gối ngồi trên giường hướng mắt về ô cửa sổ, trong tranh của Edward Hopper, mọi sự đều bất động, xa cách và cô độc, con người nếu không lọt thỏm trong khung cảnh thì họ như người quan sát khung cảnh từ bên ngoài, chìm sâu trong vùng riêng tư của bản thân trong khi để mặc cho ánh sáng xiên chéo qua mình.

Edward Hopper thích sử dụng những khối màu lớn, đặc để khoanh vùng một sự vật, như một chiếc giường, một mảng tường, một dãy núi, một kiến trúc, một cái ghế bành, một màn đêm, một tấm rèm, một bộ áo quần, một cái bóng,...

Những màu sắc của mỗi sự vật lại tương phản nhau, xanh lá cây và hồng, vàng và xanh nước biển, đỏ và xanh lá cây, trắng và vàng. Như thể mỗi thứ xuất hiện trong tranh của ông đều có những biên giới ngăn cách, đều có một thế giới biệt lập, và kể cả khi đặt những sự vật sát cạnh nhau, chúng cũng không liên kết lại mà chỉ tạo nên ấn tượng về một bầu không khí trống trải.

Ngay cả những chú hề trong tranh của Edward Hopper cũng bị ông tước đi sự hoạt náo mà thay vào đó chỉ là một niềm tư lự thầm kín, một sự mất kết nối cùng ngoại cảnh như trong bức Soir Bleu (Đêm xanh, 1914), một chú hề miệng ngậm điếu thuốc trong quán cafe, rõ ràng là ngồi cùng bàn với hai người khác, nhưng chú hề chẳng có một sự tương tác với họ, chỉ cắm cúi một mình, tựa như một câu thơ của Lưu Quang Vũ trong bài Những chiếc lá rơi: "- Anh có nhớ Macxen Macsô / Cái ông hề tóc bạc/ Có gương mặt rất buồn rất cô đơn?".

Edward Hopper sinh năm 1882, mất năm 1967. Thời đại của ông là thời đại máy móc manh nha xuất hiện và đổi thay cuộc sống con người. Sự khai sinh ra máy móc khiến con người vô hình trung cảm giác mình đã trở thành kẻ bỏ đi, đã trở thành người thừa, không còn chỗ đứng.

Đô thị hóa và công nghiệp hóa khiến con người hơn bao giờ hết thấu triệt nỗi cô đơn. Edward Hopper không phải nghệ sĩ duy nhất mô tả sự cô độc của con người trong thời đại ấy. Trong điện ảnh, đạo diễn người Ý Michelangelo Antonioni cũng có một tác phẩm để đời về những con người bị tuột lại đằng sau trước một thời đại làm bằng sắt thép, bộ phim Red desert (Sa mạc đỏ, 1964). Họ gỉ sét và uể oải trong khi những thanh kim loại sáng bóng và căng tràn năng lượng.

Nhưng không như phim của Antonioni, tranh của Hopper u buồn song không hề tạo ra cảm giác đe dọa (dẫu ta phải thừa nhận thực tế rằng những bức tranh của Hopper là nguồn cảm hứng để đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock làm ra Psycho - một bộ phim tâm lí kinh dị rừng rợn thuộc loại bậc nhất), thậm chí chúng gợi ra một trạng thái gần như bình yên, khi mà con người đã làm quen với nỗi cô đơn và đã biết cách để tận hưởng những phút giây im lặng.

Họ đọc sách (bức Compartment C, Car 293 - Khoang C, Xe số 293, bức Hotel room, Căn phòng khách sạn), họ ngắm mặt trời (bức Morning sun - Mặt trời buổi sáng), họ đọc báo và nghịch phím đàn piano (bức Room in New York - Căn phòng ở New York), họ nhìn đường phố (bức Eleven A.M - Mười một giờ sáng), họ uống một tách cafe (bức Automat, Máy cafe tự động).

Những nhân vật trong các bức tranh của Edward Hopper cũng luôn có một nét duyên dáng và lịch thiệp, họ ăn mặc đẹp, gọn gàng và chỉn chu, kể cả khi đó chỉ là một bộ đồ lót, họ không vồn vã cũng không vật vã, dẫu không vui, họ cũng không vui trong một vẻ đứng đắn, thanh lịch và tao nhã.

Một vài tác phẩm nổi tiếng của Edward Hopper.

Như triết gia đại chúng Alain De Botton (tác giả nhiều đầu sách ăn khách từng được dịch ở Việt Nam như Luận về yêu, Sự an ủi của triết học,..) đã viết: "Edward Hopper thuộc về kiểu nghệ sĩ mà dù tác phẩm của ông có vẻ buồn thảm nhưng chúng không khiến ta buồn thảm… có lẽ là bởi chúng cho phép ta ngắm nghía sự vang vọng của chính nỗi u mang và chán nản của mình, và như thế ta lại cảm thấy bớt bị chúng giày vò hay vây bắt".

Chính là như vậy, Edward Hopper cho chúng ta hay, ngay trong nỗi sầu cũng ẩn náu niềm vui, và ta có thể kiếm tìm sự bằng lòng ngay khi nhốt mình giữa bốn bức tường và quanh quẩn trong những nỗi riêng tư tưởng như không sao chịu được.

Sinh thời, Edward Hopper cũng là một người đứng ngoài những trào lưu, một con người luôn cố gắng tự tách mình. Trong khi những người đồng nghiệp cùng thời đang phấn khích với phong cách lập thể mới được Georges Braque và Pablo Picasso phát triển, thì Edward Hopper lại quan tâm tới chủ nghĩa hiện thực.

Ông sang châu Âu ba lần, lần nào cũng ghé lại Paris để học hỏi về nghệ thuật, thế nhưng ông lại nói rằng ông không nhớ mình đã từng nghe về Picasso - tên tuổi lẫy lừng đang đi tới đỉnh cao danh vọng vào thời điểm đó.

Không phải Hopper tỏ ra kiêu ngạo hay dửng dưng, chỉ đơn giản Hopper khép mình trong thế giới của riêng ông mà hầu như không để tâm tới thời cuộc đang diễn ra bên ngoài. Tranh của Hopper không thực sự thuộc về một trường phái nào nổi trội ở thời ông sống, không phải lập thể đã đành, nhưng cũng không phải ấn tượng hay siêu thực hay biểu hiện.

Và dù vẫn biết những nghệ sĩ thì thường cô đơn, nhưng Edward Hopper hẳn là cô đơn hơn đa số những nghệ sĩ trên đời. Ông lặng lẽ và ít nói, không phô trương, không trình bày, không thích trở thành tâm điểm. "Đôi khi nói chuyện với Eddie giống hệt như là ném một hòn đá xuống giếng, chỉ khác là chẳng hề rơi đánh bịch khi chạm đáy", Josephine - vợ và là người mẫu trong rất nhiều bức tranh của Hopper - từng chia sẻ về ông.

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Edward Hopper, hoàn thiện 4 năm trước khi ông từ giã cõi tạm, Hopper vẽ một bức tường và một ô cửa sổ, nắng tràn từ ô cửa sổ và chia bức tường thành những mảng sáng/ tối. Mặt trời trong căn phòng trống, tên của bức tranh. Không có bất cứ dấu hiệu nào của sự sống, chỉ có duy nhất ánh nắng vàng ấm áp tràn lên sự tịch lặng vô biên. Có một vẻ đẹp kỳ lạ trong sự vắng bóng con người, trong sự thiếu thốn những chuyển động, trong sự mắc kẹt với thời gian và không gian.

"Có lẽ tôi chẳng con người lắm - tất cả những gì tôi muốn vẽ là ánh mặt trời chiếu trên hông nhà", Edward Hopper nói về mình. Không dễ dàng gì để một loài vật có tính xã hội cao như con người (và chính tính xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thành công vượt bậc của chúng ta so với nhiều giống loài khác) có thể nhìn thấy, chỉ nhìn thấy chứ chưa cần say mê, cái đẹp của sự không-có những người đồng loại.

Đó lí giải vì sao chúng ta cần tới Hopper, bởi chỉ có một con người đã thành thục những kỹ năng để sinh tồn với sự trống trải mới đủ sức để thuyết phục được chúng ta, rằng trong vài mét vuông địa lý nhàm chán, có những nếp gấp vô tận mà dù dùng cả đời mình, chúng ta cũng không thể khai phá hết.

Link nội dung: https://topnow.edu.vn/ve-tranh-co-don-a88080