Cũng là những chiếc bánh mì Việt Nam, nhưng mỗi nơi sẽ có một cách ăn khác nhau, thậm chí, đi qua từng đất nước, chiếc bánh mì lại được biến tấu một chút để phù hợp với khẩu vị của người dân ở từng quốc gia.
Bánh mì truyền thống được trưng bày tại hội thảo
Trên sân khấu Hội thảo Hành trình bánh mì Việt Nam, từ giao thoa văn hóa đến giá trị thương hiệu quốc gia diễn ra hôm 11.10, đầu bếp người Singapore - Eric Low - tự tay chuẩn bị và chế biến những chiếc bánh mì mà theo ông, là sự kết hợp giữa chiếc bánh mì Việt Nam và khẩu vị của người Singapore.
Ông Eric Low tự tay chế biến ngay trên sân khấu
Trứng và nước xốt được chế biến ngay tại chỗ, nóng hổi, thơm phức. Thịt cua tươi sau khi cho vào, trộn đều, hòa quyện trong nước xốt mềm mại.
Bên cạnh cua, tôm cũng có thể trở thành thành phần chính của chiếc bánh mì. Vẫn là ăn cùng trứng, dưa chuột thái mỏng, giá đỗ, rau thơm. Mỗi loại sẽ đi kèm một loại nước xốt khác nhau. Nước xốt nêm nếm vừa vặn, rưới đều, thấm vào từng thành phần bên dưới. Tận dụng những ổ bánh mì làm từ than tre hay thanh long, món ăn này vừa có phần nhân hấp dẫn vừa mang những màu sắc bắt mắt.
Đây là cách ăn bánh mì mà theo ông Eric là phổ biến ở Singapore. Ông Eric Low chia sẻ, ở Singapore, giá mỗi chiếc bánh mì dao động từ 8 USD đến 12 USD, tương đương khoảng 180 ngàn đồng đến 280 ngàn đồng.
Bánh mì Việt Nam dưới bàn tay biến tấu của đầu bếp Singapore
Hội thảo Hành trình bánh mì Việt Nam: từ giao thoa văn hóa đến giá trị thương hiệu quốc gia có sự tham gia của các chuyên gia ẩm thực trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới đồng ý rằng, yếu tố khiến những chiếc bánh mì Việt Nam xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và trở thành món ăn được nhiều người yêu thích chính là sự linh hoạt trong cách chế biến.
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/cua-banh-mi-a90160