Tôi không thể nhớ được lần đầu tiên biết đến cây đàn hạc (hay còn được gọi là đàn Harp) là khi nào, có lẽ khi tôi còn là một cậu bé. Ngày ấy, hiếm có cơ hội khi được chiêm ngưỡng một dàn nhạc giao hưởng trên tivi, và ánh mắt tôi luôn hướng về chiếc hạc cầm, thứ nhạc cụ có dáng vẻ kỳ lạ nhất trên sân khấu, ít nhất là tới giây phút người nhạc trưởng với mái tóc dài bước lên bục. Khi được trao cơ hội cây đàn hạc sẽ tỏa sáng cả về hình ảnh và âm thanh, cây đàn hạc diễm lệ vang lên những âm thanh kỳ diệu như dòng thác chảy.
Và rồi chúng ta có “Mickey and the Beanstalk”, một phân đoạn trong bộ phim “Fun and Fancy Free” của Disney vào năm 1947, với nhân vật Đàn Hạc Vàng (Golden Harp) — đó là một người phụ nữ xinh đẹp với giọng ca thánh thót có phần lưng bằng cách nào đó được gắn với hình tượng chiếc đàn hạc. Vai diễn được thể hiện tuyệt vời bởi một ngôi sao tuổi teen nổi tiếng vào thời ấy, nữ ca sĩ kiêm diễn viên Anita Gordon. Quả là một nhạc cụ làm mê hoặc lòng người! Nổi tiếng với cây đàn hạc, tất nhiên cũng phải nhắc tới Harpo Marx, một trong những thành viên nhóm hài kịch Marx Brothers, khả năng chơi hạc cầm của anh quả thật không phải một chuyện viễn tưởng! Anh ấy thực sự chơi đàn hạc rất giỏi.
Trong những năm gần đây, mặc dù không chơi đàn hạc, tôi đã được các thành viên trong Hiệp hội đàn hạc Hoa Kỳ (American Harp Society) và Đại hội đàn hạc thế giới (The World Harp Congress) ủy nhiệm sáng tác những bản nhạc hạc cầm để biểu diễn tại các hội nghị quốc gia và quốc tế. Việc tham gia những hội nghị này là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Khung cảnh từng hàng từng hàng những chiếc hạc cầm lấp lánh, thường được mạ vàng (một số bằng gỗ tự nhiên hoặc sơn mài đen), được xếp ở hành lang hội trường thật tráng lệ. Hình ảnh đó đồng bộ với cảnh hàng trăm nghệ sĩ hạc cầm — những người có đôi chút khác biệt với các nghệ sĩ nhạc cụ khác — dường như đang nhẹ nhàng bay bổng khắp khán phòng, như thể giai khúc hạc cầm đã khiến họ thành một con người mới.
Tôi rất thích được sáng tác những bản nhạc hạc cầm, một phần vì (tôi đùa vui một chút) tôi không thể sáng tác được một khúc nhạc khó nghe dành cho cây đàn hạc. Tuy nhiên, sáng tác cho hạc cầm cũng là một nhiệm vụ khó khăn, chiếc đàn này có nhiều nốt nhạc hơn và một số ký hiệu đặc biệt không được sử dụng cho các nhạc cụ khác.
Khi chiêm ngưỡng một chiếc hạc cầm, ta sẽ choáng ngợp trước một hàng dây đàn thẳng tắp và tự hỏi sao những người nghệ sĩ có thể biết được dây nào tương ứng với nốt nào. Không chỉ có vậy, để có thể khéo léo tạo lên những giai điệu chuyên nghiệp từ những dây đàn với độ căng cao cũng là một công việc không hề dễ dàng.
Nếu quan sát kỹ ta có thể nhận thấy bảy dây của nốt đô (C) trong từng quãng tám có màu đỏ, và tất cả những dây nốt pha (F) có màu đen hoặc xanh dương, qua đó các nghệ sĩ hạc cầm có thể định hướng được vị trí tay trên nhạc cụ. Nhưng để có thể di chuyển chính xác qua các dây xa hơn cho các nốt ở cao độ khác sẽ phụ thuộc vào trí nhớ của cơ bắp và tầm nhìn ngoại vi, bởi người nghệ sĩ phải đọc bản nhạc và không thể luôn quan sát vị trí tay.
Lòng tôn trọng, sự nể phục của tôi đối với nghệ thuật chơi hạc cầm tăng gấp bội khi tôi biết được rằng chơi đàn hạc không chỉ yêu cầu sự linh hoạt của cả hai tay, mà còn có bảy bàn đạp (pedal) cần cả hai chân thao tác lên xuống nhịp nhàng ở một đến ba vị trí. Ví dụ, bàn đạp D sẽ đồng thời điều chỉnh cả bảy dây rê (D) trong từng quãng tám thành các âm thanh phẳng, sắc nét hoặc tự nhiên, tới khi bàn đạp đó được thay đổi lần nữa.
Hạc cầm chỉ có bảy dây cho mỗi quãng tám, tương tự như các phím trắng của piano. Để có được nốt “phím đen”, thì người chơi cần dùng đến các bàn đạp. Một vài nhạc cụ tiêu chuẩn khác cần dùng cả hai tay và chân để có thể chơi được các nốt phụ là đại phong cầm (pipe organ), và bộ trống rock/jazz cũng đều có bàn đạp. Sự phối hợp này cần dùng cả tứ chi, tay và chân, một cách độc lập, tương tự như việc một người cố gắng vỗ đầu và xoa bụng cùng lúc, nhưng khó gấp đôi!
Có lẽ không một nhạc cụ nào đã phát triển qua nhiều phiên bản như vậy, từ chiếc hạc cầm mà David chơi để xoa dịu tâm trí vua Saul đến chiếc đàn lia của người Hy Lạp cổ, tới loại đàn hạc có bàn đạp hiện đại đã ít nhiều hoàn thiện như hiện nay kể từ cuối thế kỷ 19.
Một số loại hạc cầm nhỏ Celtic và đàn hạc dân gian vẫn tồn tại cho tới ngày nay, và đều phổ biến hơn bao giờ hết. Chiếc đại hạc cầm cho hòa nhạc cổ điển đương đại mà tôi đang đề cập tới là một cây đàn lớn, cao khoảng sáu feet (1.8m), với 47 dây và âm vực khoảng 6.5 quãng tám, chỉ kém một chút so với chiếc piano.
Hạc cầm không được sử dụng nhiều bởi các nhà soạn nhạc trong thời kỳ Cổ điển như Mozart và Haydn, kể cả với Beethoven cũng như sau này là Brahms. Nhưng nhiều nhà soạn nhạc chủ đạo thời kỳ Lãng mạn đã sẵn sàng sử dụng loại nhạc cụ này. Ví dụ có thể kể đến là màn độc tấu hạc cầm du dương trong các vở ballet của Tchaikovsky.
Nhưng để có thể cảm thụ khả năng thực thụ của một chiếc đại hạc cầm với bàn đạp hiện đại cho hòa nhạc, tôi sẽ gợi ý nên thưởng thức những bản concerto hạc cầm bất hủ, như bản Concerto cho Hạc cầm và Hợp xướng ở cung Mi giáng trưởng, Op. 74 bởi nhà soạn nhạc người Nga Reinhold Glière (1875-1956). Mặc dù được sáng tác vào năm 1938, tác phẩm này vẫn có được một vị trí trang trọng trong danh mục những bản nhạc truyền thống của Chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19.
Thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart chỉ soạn đúng một bản cho đàn hạc là bản Concerto cho Sáo và Hạc cầm ở cung Đô trưởng, K. 299 năm 1778, nhưng vô cùng xuất sắc và được giới nghệ sĩ hạc cầm cũng như khán giả xem là một đóng góp lớn cho kho tàng nghệ thuật hạc cầm.
Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra hạc cầm được xuất hiện thường xuyên trong những bộ phim cổ điển, bất kể là trong cảnh phim hoặc nhạc nền. Một trong những sự góp mặt tiêu biểu của hạc cầm trong nhạc nền là việc sử dụng chín chiếc đàn (count ’em, nine!) trong bản nhạc hoàn mỹ của nhà soạn nhạc Bernard Herrmann cho bộ phim “Bên dưới rạn san hô 12 dặm” (Beneath the 12-Mile Reef) năm 1953, trong đó họ đã tái hiện lại khung cảnh thiên đường dưới mặt nước. Tương tự, ông Herrmann đã sử dụng hạc cầm để khắc họa bức tranh về biển cả trong bộ phim “Hồn ma và bà Muir” (The Ghost and Mrs. Muir) năm 1947.
Một trong những sự xuất hiện đáng chú ý của hạc cầm trên màn ảnh, cũng trong 1947, là phần trình diễn độc tấu hạc cầm tuyệt đẹp bởi Cary Grant (trong vai Thiên thần Dudley) trong phim “Người vợ giám mục” (The Bishop’s Wife), với sự tham gia của Loretta Young và David Niven. Trong phim, đôi tay đang gảy đàn không phải của Grant, mà thực chất là của Denzil Gail Laughton (1921-1985), người được biết đến với vai trò là một nghệ sĩ hạc cầm jazz nhiều nhất và cũng là diễn viên trong các phim và chương trình truyền hình. Đôi tay lướt trên các dây đàn hạc cầm của nghệ sĩ Laughton được đóng thế thay cho tay của diễn viên Cary Grant nhờ sử dụng công nghệ kỹ thuật vào thời đó.
Nhà soạn nhạc người Mỹ Michael Kurek là người đã sáng tác album cổ điển “The Sea Knows” xếp hạng nhất trên Billboard. Là người đã thắng vô số giải thưởng sáng tác, bao gồm Giải thưởng Viện Hàn lâm cho Âm nhạc danh giá từ Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ, ông đã tham gia vào Ủy ban Đề cử cho giải Grammy kinh điển của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia. Ông cũng là giáo sư danh dự về soạn nhạc của trường Đại học Vanderbilt. Để có thêm thông tin và âm nhạc của ông, truy cập bx.com.
Quỳnh Anh biên dịch Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm:
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/hac-cam-a90194