UX/UI tên đầy đủ là user experience (trải nghiệm người dùng) và user interface (giao diện người dùng). Đây là ngành nghề đang hot trong thời đại công nghệ số vì nhu cầu sử dụng website, sản phẩm hay ứng dụng trực tuyến ngày càng cao.
Lĩnh vực UX/UI đang thu hút nhiều người trẻ theo đuổithanh dung
Với 4 năm kinh nghiệm trong nghề, Võ Lê Tú Anh (31 tuổi, chuyên gia thiết kế nội dung tương tác, công ty tài chính MB Shinsei) cho biết viết UX nói dễ hiểu là viết “hướng dẫn sử dụng” trên ứng dụng thuộc nền tảng số.
“Tương tự như bảng hướng dẫn trên các sản phẩm dùng trực tiếp nhưng sản phẩm mà người viết UX tạo ra chỉ nhìn và tương tác qua màn hình điện thoại, máy tính… Người viết luôn ưu tiên lựa chọn từ ngữ, câu từ ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu nhất nhưng phải cụ thể, đáp ứng mong muốn người dùng, phù hợp với mọi lứa tuổi từ giới trẻ đến người già, đảm bảo khi đọc sẽ hiểu được cách thao tác ngay lập tức trong ứng dụng”, Tú Anh chia sẻ.
Do đó, công việc của Tú Anh là viết làm sao để họ đọc vào và hiểu cách sử dụng ứng dụng đó ngay theo từng bước chỉ dẫn hiển thị trên màn hình. “Mua sắm, thanh toán trực tuyến, đăng nhập thông tin… sẽ được người viết hướng dẫn cặn kẽ và dễ hiểu, tránh họ nản lòng và từ bỏ ứng dụng”, cô giải thích.
Không chỉ viết, cô còn phải phối hợp các phòng ban kỹ thuật để nắm rõ về quy tắc, yêu cầu và cách hiển thị. Tự đặt mình là người dùng ứng dụng để hiểu mong muốn, cảm xúc của họ và “viết đúng, dễ đọc, dễ dùng”.
“Thời đại công nghệ số, tôi luôn mong không bỏ người dùng nào lại phía sau dù họ có lớn tuổi. Việc tương tác với một con người đòi hỏi các ứng dụng, website không chỉ có giao diện đẹp, chức năng thông minh mà cần khéo léo trong giao tiếp”, Tú Anh nói thêm.
Tú Anh là tác giả của quyển sách UX Content 4.0NVCC
Theo Trần Nguyễn Phương Linh (23 tuổi, UX/UI Designer, công ty Tada Edtech), UX/UI Design nói ngắn gọn là quá trình thiết kế và phát triển một sản phẩm, ứng dụng trực tuyến cả về thẩm mỹ và trải nghiệm người dùng, để nó vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, vừa mang giá trị cho khách hàng.
UX Design (thiết kế trải nghiệm cho người dùng) liên quan đến việc thiết kế toàn bộ quá trình thao tác của một ứng dụng hay sản phẩm trực tuyến. Người thiết kế UX sẽ đưa ra giải pháp thiết kế tổng thể, như một “khung sườn” phù hợp cho trang web hay ứng dụng.
Những dòng chữ xuất hiện trên màn hình được viết bởi UX WriterThanh Dung
Còn UI Design sẽ nhận nhiệm vụ thiết kế các yếu tố liên quan tới giao diện hiển thị của một sản phẩm. Cụ thể là trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại như cách dàn trang, chọn hình ảnh và màu sắc, vị trí đặt nút chức năng…
Công việc của Linh là nghiên cứu và phân tích sản phẩm công nghệ cùng với hành vi khách hàng để tìm ra vấn đề của doanh nghiệp, nhu cầu người dùng, chi phí và tính khả thi của ứng dụng… Từ đó, phối hợp với các bộ phận để thiết kế sản phẩm và cải tiến liên tục.
Phương Linh chọn theo đuổi lĩnh vực mới này vì thấy tiềm năng phát triển của nóNVCC
“Ý tưởng về việc cải tiến, kết hợp các công cụ nghiên cứu, thiết kế trong cuộc sống để biến nó thành giải pháp công nghệ, nâng cao hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống của mọi người luôn là điều hấp dẫn với tôi. Tôi mong muốn thứ mình làm không chỉ đẹp mà còn phải thông minh và có tính ứng dụng cao”, Phương Linh nói.
UX Designer sẽ nghiên cứu, thiết kế “sườn” tổng quan cho web, ứng dụngPhương Linh
Vì vậy, thiết kế UX/UI cho phép cô linh hoạt sáng tạo, phát huy tư duy logic để tạo ra nhiều giải pháp công nghệ mới, những sản phẩm trực tuyến có ích cho cộng đồng và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng
Nói thêm về nghề, Linh cho rằng ở những tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ phân chia cụ thể các mảng như UX (gồm researcher, writer, designer), UI Design và Product Design. Còn ở công ty nhỏ, khởi nghiệp thì một nhân viên sẽ đảm nhận tất cả vị trí đó. Vì vậy, họ sẽ có kiến thức trải rộng trong lĩnh vực.
Giao diện ứng dụng tra cứu tiếng Việt mà Linh từng thực hiệnPhương Linh
“Để theo đuổi nghề UX/UI, chúng ta cần học nhiều thứ về tư duy thiết kế, nắm nguyên tắc cơ bản để thiết kế trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, kiến thức về ngôn ngữ lập trình như (HTML, CSS, Python, SQL) cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình phát triển về tư duy sản phẩm”, Linh chia sẻ.
Không chỉ được đào tạo chuyên sâu về thiết kế và tư duy thẩm mỹ ở trường ĐH, Phương Linh còn phải tham gia các khóa học của Google (như UX Design, Data Analytics…), thời gian rảnh lại tìm sách chuyên ngành đọc thêm.
Nói về thu nhập nghề đang "hot" này, các bạn trẻ đều cho rằng "lương tốt" nhưng không công khai cụ thể con số.
Đa phần là tự học
Được biết, Tú Anh tốt nghiệp ngành quốc tế học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Còn Phương Linh tốt nghiệp ngành báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Từ năm 3 ĐH, Linh học thêm chương trình đào tạo mỹ thuật đa phương tiện tại Arena Multimedia trong 2 năm rưỡi.
Theo Phương Linh, UX/UI là nghề khá mới ở Việt Nam nên chưa có Trường ĐH nào đào tạo, chỉ có số ít trường có môn học liên quan thuộc một chuyên ngành lớn. Vì vậy, người làm công việc này đa phần sẽ tự học hoặc du học nước ngoài để bổ sung kiến thức.
“Dù có tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa hay công nghệ thông tin cũng chưa thể làm UX/UI tốt vì kiến thức chỉ dừng ở tư duy thiết kế. Để tạo ra một sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh là sự phối hợp của nhiều người từ nghiên cứu, viết, thiết kế, lập trình… Vì vậy, để làm tốt nghề, nhân sự phải tự học và bổ sung kiến thức về nhu cầu thị trường, UX Design, Data Analytic, quản lý dự án, viết nội dung, hiểu cơ bản về ngôn ngữ lập trình…”, Phương Linh chia sẻ.
Linh cho biết thêm, khi đưa ra bất kỳ giải pháp hay thiết kế nào cũng cần phải đảm bảo nó có tính khả thi và làm tăng tỷ lệ người sử dụng sản phẩm công nghệ của công ty. Vì vậy, người làm nghề UX/UI phải biết đọc báo cáo, nghiên cứu trải nghiệm, biết mỗi thứ một ít để hiểu công việc của từng vị trí mà đưa ra ý tưởng phù hợp.
“Một ứng dụng có đẹp đến đâu nhưng không thông minh, không giúp người dùng đạt mục đích thì chỉ bỏ đi. Nghề này giống như kết hợp giữa người làm truyền thông và thiết kế. Người làm truyền thông sẽ phù hợp với UX Design vì thiên về nghiên cứu trải nghiệm, nhu cầu người dùng và người làm thiết kế sẽ chuyển sang làm UI Design (thiết kế giao diện) tốt hơn”, Linh giải thích.
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/uiux-la-gi-a94774