Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phúc Linh trao bằng lao động sáng tạo cho các đoàn viên công đoàn tiêu biểu trong lao động sáng tạo năm 2022.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động âm nhạc của trẻ mẫu giáo
Chủ nhiệm của sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ hoạt động âm nhạc của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi cho sinh viên ngành giáo dục mầm non - GDMN” là giảng viên Từ Thúy Ngân, phụ trách các môn học về phương pháp cho sinh viên ngành GDMN tại Trường Cao đẳng Bến Tre.
Qua nghiên cứu tìm hiểu, hiện nay có nhiều tài liệu nghiên cứu về việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngành GDMN, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học cho trẻ mầm non nhưng chưa có tài liệu nào nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể. Vì vậy, việc tìm ra những biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp vào hoạt động âm nhạc cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi rõ ràng, phù hợp đã giúp sinh viên có thêm nguồn tài liệu tham khảo, lựa chọn, trải nghiệm và sử dụng tốt hơn khi trong quá trình học tập tại trường sư phạm cũng như công tác sau này.
Đề tài đã đề xuất được 3 biện pháp rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ hoạt động âm nhạc của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi mang tính khả thi, phát huy tính tích cực của người học. Tính mới, tính sáng tạo của giải pháp, đề tài là sinh viên có thêm nguồn tài liệu tìm hiểu kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng về âm nhạc từ sự phát triển của công nghệ. Sinh viên vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế các hoạt động âm nhạc để thực hành tập dạy và chuẩn bị đi thực tập sư phạm.
Quy trình trang trí và kinh doanh Dừa thư pháp
Tác giả Từ Thúy Ngân cùng các cộng sự cũng đã có sáng kiến “Quy trình trang trí và kinh doanh dừa thư pháp phục vụ lễ, Tết cải thiện đời sống kinh tế cho nữ giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh”. Trước khi đưa ra giải pháp đề tài này nhóm tác giả cho rằng, khi muốn trang trí và kinh doanh dừa thư pháp, người ta thường lên mạng tìm học cách thực hiện hoặc xem các video đã có của một số bài viết hoặc video do một số Youtuber hướng dẫn rồi tự làm và kinh doanh một cách nhỏ lẻ, tự phát. Có người rất vất vả trong khâu chọn dừa, có người phải tốn nhiều chi phí cho nguyên liệu, hoặc mất nhiều thời gian cho kỹ thuật tạo hình chữ, vẽ chi tiết.
Tính mới, tính sáng tạo của giải pháp đề tài này là người thực hiện sản phẩm có thể sáng tạo nội dung chữ thư pháp, hoa văn, hình ảnh, màu sắc theo ý nghĩa, ý thích, khả năng khi trang trí quả dừa. Nhiều giáo viên mầm non có kỹ năng, mong muốn cải thiện thu nhập nhưng thật sự chưa nhiều giáo viên mầm non biết cách thực hiện và kinh doanh. Sản phẩm có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa không chỉ cho giáo viên mầm non mà còn cả đối với người trồng dừa, người thực hiện, người kinh doanh sản phẩm trang trí mỗi dịp Tết đến. Bản thân tác giả đã áp dụng thành công quy trình trang trí và kinh doanh dừa thư pháp mỗi dịp Tết từ năm 2021 đến nay với tổng doanh thu mỗi năm khoảng 10 - 30 triệu đồng. Giá dừa thành phẩm gấp 10 - 15 lần giá dừa ban đầu. Lợi nhuận thu về 30 - 50% đối với mỗi sản phẩm. Quy trình trang trí và kinh doanh dừa thư pháp nếu được mở rộng và phát triển thành công sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống kinh tế cho giáo viên mầm non, người trồng dừa, người thực hiện, người kinh doanh… Từng bước, sản phẩm có khả năng trở thành một sản phẩm trang trí độc đáo mang nét văn hóa của người dân Bến Tre và các khu vực lân cận.
Mô hình đập tạm ngăn mặn trữ nước ngọt
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị, với sáng kiến “Mô hình đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong điều kiện hạn mặn”, trước khi đưa ra đề tài, tác giả nhận định vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng đến tỉnh, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Giải quyết việc thiếu nước ngọt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trữ lượng nước ngầm của tỉnh lớn nhưng đa số bị nhiễm mặn, trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư, nhưng đến nay chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, “Mô hình đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong điều kiện hạn mặn” là hết sức cần thiết khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay.
Mục đích sáng kiến là dựa vào điều kiện tự nhiên sông rạch chằng chịt, các nhánh sông chính được nối thông nhau qua các rạch sườn, rạch sườn này có thể lấy nước hai đầu nếu sông Hàm Luông mặn, có thể lấy ngọt từ sông Cổ Chiên. Mô hình đập tạm này với phương pháp lấy nước ngọt, ngăn mặn bằng cách điều tiết và lấy - trữ nước ngọt. Mô hình đập tạm được thực hiện trong điều kiện chưa có công trình đầu tư quy mô kiên cố lớn được Nhà nước đầu tư. Sáng kiến đã tạo ra những giá trị mới.
Mô hình loại đập tạm không có cống dùng ngăn mặn xâm nhập bằng khung cừ và bạt chắn, ưu điểm ngăn được mặn, lấy ngọt, kinh phí thực hiện rẻ, huy động tốt nguồn lực trong dân. Mô hình loại đập tạm có cống điều tiết, với giải pháp bằng khung cừ, đắp đất và bố trí cống tròn quy mô phù hợp. Ưu điểm của 2 mô hình là ngăn được triều cường, lấy ngọt, trữ ngọt, kết hợp giao thông nông thôn, đập thay cầu, tồn tại lâu dài 5 - 10 năm, giá thành thấp, phù hợp sức dân, huy động nguồn lực trong dân.
Bài, ảnh: Huyền Thu
Link nội dung: https://topnow.edu.vn/de-tai-lao-dong-a97438