Mỹ hất cẳng Pháp để vào Việt Nam như thế nào?

Darkrose
Mỹ hất cẳng Pháp để vào Việt Nam như thế nào?
  • Tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc kháng chiến chống Mỹ
  • Mỹ đã can dự vào cuộc chiến Điện Biên Phủ như thế nào?
  • Sức mạnh của nhân dân đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ

Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung được Mỹ xác định trở thành điểm nóng nhất trong cuộc chiến chống cộng này. Chính vì lý do đó, từ tháng 5-1950, Đông Dương đã nằm trong tầm ngắm của chính sách ngoại giao của Mỹ. Tổng thống Truman đã quyết định viện trợ tới 80% chiến phí cho Pháp để giữ bằng được Đông Dương trong phạm vi ảnh hưởng của phe tư bản. Mỹ thừa nhận: “Những ngón tay Pháp đã kéo cò súng nhưng những đồng đôla của Mỹ mới nạp đạn cho khẩu súng”.

Từ đầu năm 1954, Mỹ đã ngày càng nhận ra thế bại chắc chắn của Pháp. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã quyết định phải từng bước thế chân Pháp ở Đông Dương. Ba tháng trước khi Điện Biên Phủ sụp đổ, tháng 2-1954, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Walter Bedell Smith đã nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng, khả năng nếu Pháp bại trận và phải rút lui thì giải pháp đầu tiên là: “Dựng tường để ngăn chặn một miền, và giúp đỡ những phần tử bản xứ muốn được giúp đỡ ở một miền khác”.

Việt Minh đã giành những thắng lợi giòn giã về quân sự tại Điện Biên Phủ, đẩy Pháp phải chấp nhận từ bỏ hoàn toàn tham vọng thực dân kiểu cũ bằng việc đồng ý ngồi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Genève năm 1954. Pháp chấp nhận rút lui nhưng Mỹ không thể để dù chỉ một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ngả về phía chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô chi phối.

Mỹ và Pháp đã bất đồng ngay từ khi Hiệp định Genève được ký kết. Pháp hài lòng với hiệp định này trong khi Mỹ từ chối ký vào thỏa ước và vẫn ngầm cho rằng hiệp định này là một thảm họa đối với thế giới tự do”. Từ nhận thức đó, Mỹ hình thành chiến lược từng bước hất cẳng Pháp để tự triển khai các lực lượng Mỹ ở Đông Dương, với mục tiêu ngăn chặn bằng được miền Nam Việt Nam mất vào tay phe cộng sản. Lúc này, Mỹ quan ngại hơn bao giờ hết, bởi lo sợ rằng nếu mất toàn bộ Việt Nam sẽ dẫn tới việc mất cả Đông Dương (Lào và Campuchia), từ đó sẽ có thể dẫn tới việc mất Phillippines và quần đảo Indonesia, yếu tố có thể khơi mào cho việc mất Nhật Bản, con bài domino cuối cùng. Toàn bộ châu Á có thể biến mất khỏi hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa…”.

Nỗi lo sợ mất mát này đã xác lập chính sách đối ngoại Mỹ. Để tạo thế và lực cho việc giữ miền Nam Việt Nam, Mỹ phải tìm cách loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Pháp, bằng nhiều biện pháp và công cụ đa dạng.

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

Chọn Diệm để hất cẳng Pháp

Mỹ đã chọn Ngô Đình Diệm, một nhân vật chính trị có thái độ chống Pháp kiên quyết, trở thành Thủ tướng miền Nam Việt Nam. Theo hầu hết tất cả những bài viết về Ngô Đình Diệm từ tài liệu Mỹ, Diệm thu hút người Mỹ trước hết bởi chủ nghĩa chống cộng và chống Pháp kiên định. Khi diễn thuyết tại Thủ đô Washington của Mỹ, Ngô Đình Diệm luôn lập luận rằng: “Chỉ cần chấm dứt chính sách thực dân Pháp và chỉ cần Việt Nam có một chính phủ do người quốc gia lãnh đạo là có thể đánh bại được Cộng sản”. Lý luận này quá đơn giản và thiếu thực tế nhưng vẫn được các chính khách Mỹ hoan hỷ chào đón.

Học giả Zalin Grant viết trong cuốn “Giáp mặt Phượng Hoàng, CIA và thất bại chính trị của Mỹ ở Việt Nam”: “Việc chọn Diệm phản ánh thực trạng khó khăn trong việc lựa chọn những phần tử không Việt Minh. Những lãnh tụ không Việt Minh khác hoặc là có quốc tịch Pháp hoặc là có quá khứ hợp tác với Pháp... Diệm có chỗ hấp dẫn là ông đã chống cả Pháp lẫn cộng sản và được biết tiếng trong nước là một người quốc gia.

Với tính chất chống Pháp như trên, Mỹ đã bí mật áp lực Bảo Đại chọn Ngô Đình Diệm. Lúc này, Việt Nam vẫn tồn tại hai chính phủ là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đảng Cộng sản lãnh đạo và Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Pháp lập ra với Bảo Đại làm Quốc trưởng. Ngày 16-6-1954, Ngô Đình Diệm chính thức đồng ý thành lập nội các, và chính thức nhậm chức Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại vào ngày 7-5-1954.

Tiếp nữa, Mỹ tiếp tục hậu thuẫn cho Diệm lật Bảo Đại, một nhân vật chính trị thân Pháp. Đại sứ Mỹ tư vấn cho Diệm củng cố chính phủ của mình và đẩy vấn đề quyền lực của Bảo Đại cho Quốc hội giải quyết. Diệm đã mời 700 đại diện được chọn từ 39 tỉnh, thành để cân nhắc quyền lực pháp lý của Bảo Đại, sau đó vạch kế hoạch yêu cầu Bảo Đại chuyển giao quyền lực dân sự và quân sự cho Diệm đến khi Quốc hội và Hiến pháp mới định hình thể chế mới.

Với chiêu bài này, vào ngày 23-10-1955, Diệm giành thắng lợi lớn (98% phiếu bầu) trong cuộc trưng cầu dân ý trong dân chúng miền Nam nhằm lựa chọn giữa Diệm và Bảo Đại trở thành người đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Bảo Đại bị phế truất và chỉ ba ngày sau, Ngô Đình Diệm tuyên bố trở thành Tổng thống. Đây cũng là một thắng lợi của Mỹ trước Pháp.

Sau đó, Mỹ tài trợ mạnh cho chính quyền Diệm ở miền Nam Việt Nam nhằm loại bỏ Pháp. Pháp cho rằng, Diệm thiếu năng lực để lãnh đạo Việt Nam và khuyên Mỹ nên tìm một nhà lãnh đạo khác để hậu thuẫn, nhưng Mỹ nhất quyết không chịu.

Ban đầu, Pháp bằng lòng giữ Diệm làm Thủ tướng để chiều lòng Mỹ và để tiếp tục được nhận viện trợ Mỹ. Tuy vậy, đến tháng 11, Thủ tướng Pháp Mendes France cho rằng, nếu không có một chương trình lãnh đạo thiết thực hơn ở miền Nam Việt Nam trong hai tháng tới, giải pháp thay thế Diệm cần được tính tới. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng phe phái trong nội bộ miền Nam Việt Nam leo thang vào đầu năm 1955. Cuộc khủng hoảng phức tạp tới mức vào tháng 4-1955, Tướng Paul Ely, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, đã kết luận rằng Diệm phải ra đi để giữ miền Nam Việt Nam và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ ai trừ Diệm.

Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố với Pháp và Anh vào tháng 2- 1955 rằng: “Diệm là phương cách duy nhất Mỹ thấy có thể cứu được miền Nam Việt Nam và chống lại phong trào cách mạng đang diễn ra ở Việt Nam. Mỹ thấy không ai khác có thể làm được điều này”.

Những mâu thuẫn chiến lược giữa Pháp, Mỹ về Diệm và Việt Nam ngày càng sâu sắc. Căn nguyên của mâu thuẫn này là Pháp vẫn muốn duy trì một số quyền lợi thuộc địa ở Đông Dương trong khi Mỹ muốn chấm dứt vai trò thực dân kiểu cũ của Pháp tại đây nhằm trực tiếp can dự vào cuộc chiến chống cộng.

Khi Hiệp định Genève được ký kết, Thủ tướng Pháp Mendes Trance thừa nhận Việt Nam là nước hoàn toàn độc lập và có chủ quyền riêng. Tuy nhiên, Pháp vẫn muốn giữ một số ảnh hưởng tại Việt Nam, khẳng định việc Việt Nam vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp là bắt buộc để Pháp có ảnh hưởng về chính trị và kinh tế một cách gián tiếp. Ngay cả trong tình huống tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, Pháp vẫn có thể đàm phán với Việt Minh để đảm bảo những lợi ích văn hóa, kinh tế và chính trị của Pháp. Pháp thậm chỉ còn mong Việt Nam trở thành nơi thử nghiệm chính sách đồng tồn tại giữa hai phe hai trục trong Chiến tranh lạnh. Mong muốn này của Pháp đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn của cả Mỹ và Diệm.

Ngô Đình Diệm với sự đỡ đầu của Mỹ ngay từ đầu đã có thái độ chống Pháp, Mỹ và Diệm lo ngại Pháp với tư cách là một bên quan trọng của Hiệp định, sẽ bảo trợ cho một cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc đúng như Hiệp định đã ký. Điều này đồng nghĩa với một thất bại chắc chắn của Ngô Đình Diệm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Diệm cho rằng Pháp ở lại càng lâu càng phương hại tới tính độc lập của miền Nam Việt Nam.

Với một nhân vật như Diệm nắm quyền, việc Pháp tiếp tục duy trì quyền kiểm soát dù là gián tiếp ở miền Nam Việt Nam là không thể. Tư tưởng kháng Pháp triệt để của Diệm hợp với ý đồ của Mỹ muốn thế chân Pháp ở Đông Dương, nên, Ngoại trưởng Mỹ Dulles coi Diệm là một phần thiết yếu của thành công” và là “hạt nhân nòng cốt của các nỗ lực trong tương lai”.

Như vậy, Mỹ và Diệm đồng quan điểm và đồng lợi ích chiến lược sau Hiệp định Genève năm 1954. Về cơ bản, chính sách của Mỹ và Diệm khác biệt và thậm chí đối chọi với mục tiêu và lợi ích của Pháp. Vì thế, Mỹ và Ngô Đình Diệm quyết tâm loại trừ ảnh hưởng còn rơi rớt của Pháp sau Genève. Mỹ đồng ý với Diệm về một nền độc lập hoàn toàn cho miền Nam Việt Nam khỏi Pháp và Pháp phải rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam.

Mỹ hất cẳng Pháp về quân sự

Ngay sau Hiệp định Genève, Mỹ không muốn Pháp rút ngay lập tức về quân sự bởi lo ngại miền Bắc Việt Nam có thể bất ngờ tấn công. Tuy vậy, về khía cạnh kinh tế và chính trị, Mỹ đã muốn Pháp rút chân toàn bộ để Mỹ vào cuộc. Mỹ chỉ muốn và yêu cầu Pháp “hỗ trợ và cộng tác” trong các hành động tiếp theo nhằm ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Dương. Mỹ ngày càng có khuynh hướng thay Pháp, tham gia sâu hơn vào vấn đề Việt Nam. Pháp, trên thực tế đã không hài lòng với Diệm nên không hỗ trợ Diệm, thậm chí tìm cách đẩy Diệm đi. Mỹ càng lúc càng cần thấy phải làm nhiều hơn để lấp chỗ trống mà Pháp để lại. Mỹ đã đơn phương thiết kế một chương trình về mặt quân sự để củng cố mạnh mẽ cho Diệm.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ khẳng định: Pháp không có vai trò gì nữa trong việc huấn luyện quân đội bản địa ở Việt Nam. Vào tháng 8-1954, Hội đồng này tuyên bố: “Cần đàm phán với người Pháp trong việc trao toàn quyền độc lập cho các nước liên hiệp và chuẩn bị cho việc rút quân lần lượt theo giai đoạn của quân Pháp, quan chức Pháp và các cố vấn Pháp ra khỏi Đông Dương nhằm thúc đẩy và tạo cơ sở vững chắc cho việc thành lập các lực lượng quân đội vũ trang quốc gia”.

Ngoại trưởng Mỹ Dulles cho rằng Mỹ cần gấp rút huấn luyện quân đội miền Nam Việt Nam trong khi quân Pháp rút dần dần. Quan điểm của Dulles đã thắng thế, trở thành chính sách của Mỹ. Mỹ thống nhất rằng “sẽ chỉ làm việc thông qua Pháp trong một chừng mực nhất định có thể”.

Pháp phản đối việc Mỹ viện trợ trực tiếp cho Diệm với lập luận rằng làm như vậy là vi phạm Hiệp định Genève và gây hấn với Trung Quốc. Mỹ không đồng ý. Ngoại trưởng Mỹ Dulles nói với Thủ tướng Pháp Mendes France rằng, Mỹ sẽ tự giải ngân viện trợ mà không qua Pháp. Như vậy, từ tháng 9-1954, Mỹ bắt đầu đàm phán trực tiếp với Diệm thay vì đi qua “cầu” Pháp.

Tới tháng 11-1954, Pháp chính thức không tranh cãi với Mỹ về vấn đề này nữa, đồng nghĩa với việc Mỹ tự động hoàn toàn trong việc viện trợ trực tiếp cho Diệm. Ngày 12-2-1955, Mỹ bắt đầu gánh trách nhiệm huấn luyện lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam. Pháp buộc phải rút dần quân để nhường vai trò này cho Mỹ.

Khúc cuối của quá trình hất cẳng Pháp

Vai trò và ảnh hưởng của Pháp ngày càng suy giảm, cùng với đó là sự lớn mạnh của Diệm. Tới tháng 5-1955, Pháp tiến hành những động thái ép Diệm chấp nhận nói chuyện với Việt Minh về một cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy vậy, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Diệm đã khước từ với lý do không ký nên không bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève. Lý do thực sự là: Diệm biết chắc chắn rằng mình không thể trở thành lãnh đạo ở một đất nước Việt Nam thống nhất và có chủ quyền nếu có bầu cử phổ thông.

Tháng 12-1955, với hậu thuẫn của Mỹ, Diệm đột ngột chấm dứt một cách đơn phương toàn bộ các thỏa thuận kinh tế đang còn hiệu lực với Pháp, tuyên bố cắt đứt quan hệ với miền Bắc Việt Nam, rút đại diện miền Nam khỏi Hội đồng Liên hiệp Pháp và kêu gọi Pháp bãi ước Hiệp định Genève. Pháp tiếp tục tố cáo: Việc Mỹ chống lưng để cho chính quyền Diệm lộng quyền như vậy là đi ngược lại lợi ích của Pháp.

Mọi nỗ lực công kích của Pháp với Diệm và Mỹ là vô ích. Có thể nói, Mỹ - Diệm đã biến Việt Nam “từ khu vực đồng franc chuyển sang khu vực đồng đôla”. Đến tháng 2-1956, chỉ còn 15.000 lính Pháp lưu lại Việt Nam và 10.000 người tiếp tục rời Đông Dương trong tháng 3. Bộ Tư lệnh tối cao của quân Pháp tại Việt Nam giải thể vào ngày 26-4-1956. Sự hiện diện của Pháp ở Việt Nam chấm dứt hoàn toàn, nhường chỗ cho Mỹ và Diệm trên con đường chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương.

Cho tới khi thời hạn bầu cử theo Hiệp định Genève đã hết, Diệm vẫn kiên quyết không thương thảo với Việt Minh về bất kỳ điều khoản nào liên quan tới bầu cử. Các nước tham gia Genève như Pháp, Anh và Liên Xô đều bất lực bởi Diệm đã có chỗ dựa là Mỹ. Mỹ - Diệm đã ngăn cản mọi nỗ lực tái thống nhất Việt Nam qua bầu cử hòa bình, hất cẳng hoàn toàn Pháp; Mỹ trực tiếp nhảy vào can dự ở Đông Dương, đẩy Việt Nam vào một cuộc chiến mới, lâu dài và đẫm máu trong suốt hai thập kỷ sau đó. Cuộc chiến chỉ kết thúc với chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975.

(Còn tiếp)

Bài 5: Thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Quyết định đúng đắn chiến lược