Tăng lên mốc hơn 1,7 triệu học sinh
UBND TPHCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, công tác chuẩn bị cho năm học 2023-2024 tới đây.
Những năm qua, số lượng học sinh tăng nhanh mỗi năm khiến TPHCM liên tục phải xây dựng thêm trường mới.
Trong năm 2022, thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án với 874 phòng học mới với mức đầu tư hơn 2.261 tỷ đồng. Trong đó, số phòng học tăng thêm là 518 phòng.
"Năm học 2022-2023, với nỗ lực của lãnh đạo các ban ngành và nhân dân, thành phố đã đảm bảo 100% con em người dân sinh sống trên địa bàn thành phố có đủ chỗ học", báo cáo nhận định.
Sang năm học mới 2023-2024, tình hình về số học sinh tiếp tục phức tạp khi tổng số học sinh từ mầm non tới THPT của TPHCM sẽ đạt mốc mới. Nếu như năm 2022, tổng số học sinh là hơn 1,6 triệu thì năm tới là hơn 1,7.
Thống kê ban đầu cho thấy, toàn thành phố tăng 35.055 học sinh (gồm 22.592 em ở công lập và 12.643 em ở ngoài công lập).
Cụ thể chia theo cấp học, mầm non tăng 7.932 học sinh, THCS tăng 34.107 học sinh, THPT tăng 21.181 học sinh. Riêng bậc tiểu học giảm 28.165 học sinh.
Nhìn chung, số học sinh trong năm học 2023-2024 tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như: Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Chỉ tăng thêm 1 trường THCS và THPT
Toàn TPHCM, quy mô về số trường dự kiến chỉ tăng từ 2.310 lên 2.325 cơ sở (tăng 15 cơ sở). Trong đó, bậc mầm non tăng 8 trường, tiểu học tăng 5 trường, THCS và THPT chỉ tăng 1 trường cho mỗi cấp.
Với việc số lượng học sinh tăng chủ yếu ở cấp học THCS (tăng 34.107 em), THPT (tăng 21.181 em) nhưng quy mô chỉ tăng 1 trường mỗi cấp cho thấy áp lực rất lớn ở 2 bậc học này.
Cùng với đó, mặc dù số lượng học sinh tiểu học giảm hơn 28.000 em nhưng nhu cầu về phòng học, giáo viên vẫn rất lớn do Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu học sinh được học 2 buổi/ngày.
Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố.
Hiện nay địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 48 dự án với 672 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 371 phòng) với tổng mức đầu tư hơn 1.503 tỷ đồng.
"TPHCM đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đi học, kể cả tạm trú đều được đến trường", UBND TPHCM khẳng định.
Mục tiêu khác, thành phố sẽ đảm bảo 100% học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 và khuyến khích học sinh các lớp còn lại được học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, các đơn vị xây dựng kế hoạch để năm học tiếp theo lớp 5 được học 2 buổi/ngày.