Vắc xin cúm mùa: 101 lưu ý trước khi tiêm phòng cúm cần phải biết

Darkrose

Vắc xin cúm là “lá chắn” phòng bệnh rất cần thiết với trẻ em và quan trọng với người lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra làn sóng tái bùng phát trên toàn cầu. Vậy có bao nhiêu loại vắc xin cúm hiện nay? Cần lưu ý gì trước khi tiêm phòng cúm?…

vắc xin cúm

Vắc xin cúm là gì?

Vắc xin cúm là loại vắc xin phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.

Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc…

Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vắc xin phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc tiêm nhắc lại vắc xin cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.

Vì sao nên tiêm phòng cúm mùa?

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC nhấn mạnh: Virus cúm từng là virus gây đại dịch khủng khiếp trong lịch sử khi thể hiện tốc độ lây nhiễm chóng mặt và gieo rắc cái chết của hàng triệu người trên thế giới. Cúm sẽ không bao giờ biến mất, mà tồn tại như “chú sói đội lốt cừu” tấn công ngay khi có cơ hội, lây lan và phát tán rất nhanh qua đường hô hấp.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm cúm mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trên thế giới, với khoảng 10 triệu ca nhập viện.

Nhìn về quá khứ, đại dịch cúm H1N1 (năm 1918) gây ra 500.000 - 700.000 trường hợp ca tử vong tại Hoa Kỳ, trong đó khoảng 200.000 trường hợp xảy ra chỉ riêng vào tháng 10 năm 1918 - và ước tính khoảng 30-40 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, đa số xảy ra ở tuổi 15-35 (1). Tiếp đó, đại dịch cúm H2N2 năm 1957 (cúm châu Á) cướp đi sinh mạng khoảng 70.000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1-2 triệu người trên toàn thế giới (2). Đại dịch cúm H3N2 năm 1968 (cúm Hồng Kông) đã khiến 34.000 người tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1 triệu cái chết trên toàn thế giới (3).

Tại Việt Nam, cúm mùa gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn, trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng mạnh vào các thời điểm giao mùa. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, co giật,…. và những hệ lụy không ngờ như đau tim, đột quỵ,…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, vắc xin cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.

tiêm phòng cúm cho người lớn
Vắc xin cúm rất quan trọng với trẻ em và cần thiết với người lớn

Nên tiêm phòng cúm vào thời điểm nào, tháng mấy trong năm?

“Hiện chưa có thuốc điều trị hữu hiệu cho cúm. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin không duy trì liên tục ở ngưỡng cao, cúm mùa vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và kinh tế nặng nề trên toàn cầu.” Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết.

Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm (cả virus cúm Nam bán cầu và cúm Bắc bán cầu) có thể xuất hiện quanh năm. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân. Nên tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt để bảo vệ tốt nhất.

Việc tiêm ngừa cúm là không có tác động phòng bệnh COVID-19, nhưng lại giúp tăng cường hệ miễn dịch, tạo miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu mang lại sự bảo vệ bổ sung, giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 gây ra. Quan trọng, các triệu chứng của bệnh cúm có rất nhiều điểm tương đồng với COVID-19 như sốt, sổ mũi, ho,… Chủng ngừa vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp giảm nhầm lẫn triệu chứng của COVID-19 và cúm mùa để điều trị bệnh kịp thời, giảm thiểu sự quá tải cho các cơ sở y tế.

Xem thêm clip: Vì sao vắc xin cúm nên tiêm nhắc lại hàng năm?

Đối tượng nên tiêm phòng vắc xin cúm?

Vắc xin cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn. Tiêm vắc xin ngừa cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe.

Hầu hết những người mắc cúm thường ở tình trạng nhẹ, không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus và nhanh chóng hồi phục trong vòng vài ngày đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, cúm mùa lại không đơn giản như nhiều người lầm tưởng, bởi cúm có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như: viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai,… thậm chí là tử vong.

Cúm cũng khiến các bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, người mắc bệnh hen suyễn mãn tính dễ bị các cơn hen suyễn kịch phát hành hạ nếu mắc bệnh cúm, bệnh nhân suy tim sung huyết mãn tính có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn dưới sự tác động của cúm.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính,… đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nhất, được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt gồm:

  • Người trên 65 tuổi;
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai;
  • Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi;
  • Người có các bệnh lý mãn tính: hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…
  • Người nhiễm HIV/AIDS;
  • Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
người cao tuổi tiêm phòng cúm
Người lớn tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ diễn tiến nặng nên cần ưu tiên tiêm vắc xin cúm hàng năm

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cúm?

Hầu hết các đối tượng đều được khuyến khích tiêm cúm, tuy nhiên có một số trường hợp chống chỉ định bao gồm:

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi;
  • Những người bị dị ứng nghiêm trọng, có thể phản ứng quá mẫn nặng đe dọa tính mạng hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin, có thể bao gồm gelatin, kháng sinh hoặc các thành phần khác.

Ngoài ra, những đối tượng nên thận trọng và trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi chích ngừa cúm như:

  • Người bị dị ứng với trứng: Những người có tiền sử dị ứng trứng nghiêm trọng (có các triệu chứng khác ngoài phát ban sau khi tiếp xúc với trứng).
  • Người mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS).
  • Người đang cảm thấy sức khỏe không tốt như đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, bị sốt vừa hay sốt cao.

Cơ chế hoạt động của vắc xin cúm

1. Vắc xin phòng bệnh cúm bất hoạt (inactivated influenza vaccine - IIV)

Đây là loại vacxin cúm được điều chế từ virus cúm đã bất hoạt, tức là virus cúm sau được nuôi cấy, đã bị làm chết bằng nhiệt, tia xạ hoặc hóa chất. Mặc dù virus đã chết nhưng kháng nguyên vẫn còn, hệ miễn dịch vẫn hoạt động tạo kháng thể kháng bệnh như bình thường.

Vắc xin phòng cúm bất hoạt được triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn, bao gồm cả phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính. Trẻ em từ 6 tháng - 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm mùa trước đây nên được tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng. Tiêm vắc xin ngừa cúm đầy đủ trong thai kỳ sẽ bảo vệ cả bà mẹ và trẻ sơ sinh chống lại bệnh cúm.

Hiện nay, 4 loại vắc xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam) đều được sản xuất theo cơ chế bất hoạt. Sau khi tiêm các loại vắc xin, người được chủng ngừa có thể xuất hiện các phản ứng không mong muốn như: sốt nhẹ, khó chịu, sưng tại chỗ tiêm, đau cơ,… Các triệu chứng này sẽ tự khỏi trong 1-2 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Vắc xin cúm tái tổ hợp (recombinant influenza vaccine - RIV)

Đây là loại vắc xin được điều chế theo công nghệ tái tổ hợp tức là phương pháp không sử dụng mẫu virus vacxin ứng cử viên và trứng gà trong quá trình sản xuất. Hiện tại, vaccine cúm mùa tái tổ hợp và vắc xin cúm dựa trên nuôi cấy tế bào là 2 loại vắc xin cúm không có trứng duy nhất được phép sử dụng tại Hoa Kỳ. Theo dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng, độ an toàn của vắc xin cúm tái tổ hợp tương đương với các loại vắc xin cúm khác.

3. Vắc xin cúm sống giảm độc lực (live attenuated nasal spray influenza vaccine - LAIV)

Vắc xin cúm sống giảm độc lực là loại vắc xin có chứa virus đã làm giảm độc lực hoặc suy yếu để không thể gây bệnh. LAIV hiện chỉ được chấp thuận sử dụng cho những người từ 2-49 tuổi không mắc các bệnh lý cơ bản. Vắc xin cúm sống giảm độc lực được dùng dưới dạng xịt mũi, 1 liều duy nhất; nhưng trẻ em từ 2 đến dưới 9 tuổi chưa được chủng ngừa cúm theo mùa trong các mùa cúm trước nên được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 4 tuần. Tuy nhiên, vì là vắc xin sống, nên những đối tượng dưới đây không nên tiêm loại vắc xin này, bao gồm:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Người lớn trên 50 tuổi;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin;
  • Những người có hệ miễn dịch yếu (ức chế miễn dịch);
  • Người mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch hoặc phổi;
  • Trẻ em từ 2 - 4 tuổi bị hen suyễn hoặc có tiền sử thở khò khè trong 1 năm qua.

Vacxin cúm có tác dụng trong bao lâu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vacxin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm thiểu 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm mùa chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm thường có tính đột biến và khả năng thay đổi liên tục cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vắc xin cúm nhắc lại hàng năm.

Vậy tiêm phòng cúm sau bao lâu sẽ có tác dụng? Cần lưu ý rằng, vacxin cúm không có hiệu quả ngay lập tức mà phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm, vắc xin có thể tạo kháng thể để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi sự tấn công của virus cúm.

Vắc xin phòng cúm có mấy loại? Phòng được những loại virus nào?

Vắc xin cúm gồm 4 loại: Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip Tetra (Pháp).

1. Vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip tetra (Pháp)

Vắc xin Vaxigrip Tetra do tập đoàn dược phẩm hàng đầu Sanofi Pasteur (Pháp) nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2016, cho đến nay vắc xin này đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn Thế giới. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ lên đến 80% phòng bốn chủng virus cúm gây gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay là chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria). Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là đơn vị đầu tiên triển khai tiêm vắc xin này.

Trước đây Việt Nam có vắc xin cúm tam giá chỉ chứa 3 chủng gồm 2 chủng cúm A là A/(H3N2), A/(H1N1) và một chủng cúm B (hoặc Yamagata hoặc Victoria). Mỗi năm, các nhà sản xuất phải dự đoán 1 chủng cúm B sẽ lưu hành trong mùa cúm tới để đưa vào sản xuất vắc xin tam giá, tuy nhiên việc dự đoán này rất khó khăn và thường không chính xác. Các kết quả nghiên cứu dịch tễ học về sự thay đổi kháng nguyên bề mặt cũng sự phân bố các chủng virus cúm trên toàn cầu cho thấy, sự lưu hành các chủng virus cúm không giống nhau. Trong khi virus cúm A bùng phát vào tháng 2-3, thì virus cúm B lại phát triển mạnh hơn vào tháng 11-3.

Theo các nghiên cứu mới nhất, tiêm vaccine cúm mùa có thể giúp cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải do đại dịch. Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu cho biết vắc xin cúm có thể bảo vệ cơ thể khỏi một số vấn đề do Covid-19 gây ra. Những bệnh nhân Covid-19 không được tiêm phòng cúm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 45% đến 58%, khả năng phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn khoảng 40% và khả năng bị nhiễm trùng huyết cao hơn 36% đến 45%. Những người chưa tiêm vắc xin cúm cũng có nhiều khả năng phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt và nhập viện cấp cứu thường xuyên hơn.

Vắc xin Vaxigrip Tetra có duy nhất 1 hàm lượng 0,5 ml cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn với lịch tiêm được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm.
  • Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.

2. Vắc xin cúm Tứ giá Influvac Tetra (Hà Lan)

Vắc xin cúm Tứ giá Influvac Tetra là loại vắc xin Tứ giá thế hệ mới được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi hãng Abbott - Hà Lan, được sử dụng phổ biến để ngăn ngừa bệnh cúm mùa có nguy cơ cao bùng phát vào thời điểm giao mùa như Xuân - Hè hoặc Thu - Đông. Hiện nay, vắc xin cúm Tứ giá thế hệ mới Influvac Tetra có khả năng phòng được 4 chủng virus cúm nguy hiểm, bao gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria) với hiệu quả bảo vệ cao, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh, dẫn đến biến chứng, nhập viện và tử vong.

Vắc xin cúm Tứ giá Influvac Tetra được chỉ định sử dụng liều lượng 0,5 ml dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi với lịch tiêm sau:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 4 tuần và tiêm nhắc hàng năm.

Đối với các đối tượng là trẻ em từ 9 tuổi trở lên, áp dụng lịch tiêm 01 mũi duy nhất và tiêm nhắc lại hằng năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ cần tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm, luôn cách tối thiểu 12 tháng so với mũi trước.

Lưu ý: Từ giữa năm 2021, cả nước khan hiếm vắc xin Tam giá Vaxigrip (Pháp) phòng cúm do hãng dược ngừng sản xuất vắc xin này để chuyển đổi sang vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) thế hệ mới nhất phòng được 4 chủng nguy hiểm nhất hiện nay. Xem thông tin chi tiết vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) TẠI ĐÂY và vắc xin cúm Tứ giá Influvac Tetra (Hà Lan) TẠI ĐÂY.

3. Vắc xin tam giá

  • Vắc xin Ivacflu-S

Vắc xin Ivacflu-S 0,5ml (Việt Nam) là loại vắc xin phòng bệnh cúm mùa hiệu quả, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa cúm ở người lớn từ 18 đến 60 tuổi.

Phác đồ tiêm: Người lớn (từ 18 tuổi đến 60 tuổi): Tiêm 1 liều 0,5 ml và sau đó nhắc lại hằng năm.

  • Vắc xin GC Flu

Vắc xin GC Flu (Green Cross Corporation - Hàn Quốc) là loại vắc xin phòng cúm mùa được sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ 36 tháng tuổi và người lớn.

Phác đồ tiêm chủng vắc xin GC Flu được khuyến cáo:

Trẻ từ 36 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó:

  • Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
  • Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Trẻ trên 9 tuổi và người lớn chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 1 mũi và sau đó tiêm nhắc lại hằng năm.

⇒ Nếu bạn thắc mắc hãy xem ngay: Vắc xin cúm của nước nào tốt nhất?

Xem thêm: Tiêm phòng vắc xin ngừa cúm cho trẻ em và người lớn ở đâu uy tín?

khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin
100% khách hàng đến VNVC đều được khám sàng lọc miễn phí trước tiêm chủng

Vị trí tiêm vắc xin cúm: tiêm cúm ở tay hay chân?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đường tiêm của vắc xin cúm được thực hiện là tiêm bắp, tuyệt đối không tiêm vào tĩnh mạch.

Vị trí tiêm được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi - 11 tháng tuổi: vị trí thích hợp để tiêm bắp là mặt trước-bên của đùi.
  • Trẻ từ 12 tháng tuổi - dưới 36 tháng tuổi: vị trí thích hợp để tiêm bắp là mặt trước-bên của đùi (hay ở cơ Delta nếu khối cơ thích hợp để tiêm bắp).
  • Trẻ từ 36 tháng tuổi và người: vị trí thích hợp là tiêm ở cơ Delta.

Chích ngừa vắc xin cúm có tác dụng gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, cúm là bệnh lý thuộc “top 5” nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (năm 2016) ở mọi đối tượng, việc chủng ngừa cúm hằng năm mang đến những lợi ích to lớn gồm:

  • Lợi ích đầu tiên: tiêm chủng cúm là biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm hiệu quả.
  • Lợi ích thứ 2: vaccine cúm là “chìa khóa” phòng ngừa quan trọng cho những đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là người mắc bệnh mãn tính.
  • Lợi ích thứ 3: chủng ngừa cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả người mẹ và thai nhi. Vacxin cúm cho mẹ bầu là dạng vắc xin liều đơn, điều chế từ virus bất hoạt, vì vậy vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ.
  • Lợi ích thứ 4: Tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng, giúp tránh tình trạng quá tải lên hệ thống y tế.
trẻ mắc bệnh cúm
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến, có nguy cơ diễn biến nặng nề, thậm chí tử vong

Một số tác dụng phụ của vắc xin cúm

1. Phản ứng thường gặp

Trong các nghiên cứu lâm sàng, các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin cúm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình và đều sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Phản ứng tại chỗ: ban đỏ (quầng đỏ), sưng, đau, bầm máu, nốt cứng.
  • Phản ứng toàn thân: sốt, khó chịu, run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, đau khớp và đau cơ.

2. Phản ứng nghiêm trọng

Phản ứng nghiêm trọng là những trường hợp rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ loại vắc xin nào. Bất kỳ ai gặp phản ứng nghiêm trọng (phản ứng phản vệ) đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Khi gặp các triệu chứng sốc phản vệ được cảnh báo dưới đây, người được tiêm cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời:

  • Nổi mề đay, phù mạch nhanh;
  • Sốt cao, co giật;
  • Khó thở, thở rít, tức ngực;
  • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn;
  • Tụt huyết áp, ngất;
  • Rối loạn ý thức.

VNVC tự hào là hệ thống tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, hệ thống kho lạnh hiện đại, đảm bảo nhiệt độ bảo quản từ 2-8 độ C với đầy đủ các loại vắc xin dành chất lượng và số lượng lớn, như: Vắc xin cúm mới nhất, sởi, thủy đậu, 5 trong 1 Pentaxim, 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim… Đặc biệt, VNVC là nơi có đầu tiên các loại vắc xin thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như: Boostrix (Bỉ) phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván, Menactra (Mỹ) phòng viêm màng não mô cầu ACYW, Prevenar 13 (Anh) phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, Imojev (Thái Lan) phòng viêm não Nhật Bản…

Đặc biệt, toàn bộ vắc xin được sử dụng trong Hệ thống tiêm chủng VNVC đều có nguồn gốc rõ ràng, nhập khẩu chính hãng từ các hãng uy tín trong và ngoài nước, như hãng vắc xin hàng đầu thế giới như: Sanofi Pasteur (Pháp), Glaxosmithkline - Bỉ (GSK), tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học - Pfizer (Mỹ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ); Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang IVAC (Việt Nam), Polyvac, Vabiotech, Viện Pasteur Đà Lạt (DAVAC)… Với những chủng loại vắc xin đa dạng, có thể nói là “tấm khiên’’ vững chắc bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cộng đồng.

Để được tư vấn và đặt lịch tiêm vắc xin cúm và các loại vắc xin cần thiết khác, kính mời Quý khách hàng liên hệ Hotline: 028.7102.6595, Website: https://vnvc.vn hoặc đến trực tiếp các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc: https://vnvc.vn/he-thong-trung-tam-tiem-chung/ để được tư vấn, đặt lịch tiêm.

Vắc xin cúm giúp xây dựng “hàng rào” bảo vệ hiệu quả trước sự tấn công của virus cúm, giảm nguy cơ mắc, nhập viện và tỷ lệ tử vong do cúm. Nguy cơ đồng nhiễm Covid-19 và cúm vẫn luôn tiềm ẩn, theo các nghiên cứu mới nhất, trẻ em và người lớn có thể giảm thiểu áp lực lên hệ thống y tế và xã hội bằng cách chủ động chủng ngừa cúm đầy đủ và đúng lịch.