Trang phục Vua quan thời nhà Đinh – Tiền Lê

Darkrose
Trang phục Vua quan thời nhà Đinh – Tiền Lê

Tại sao hình ảnh trang phục thời nhà Đinh lại hiếm?

Thời kỳ triều đại Đinh - Tiền Lê về trang phục còn quá xa lạ và không còn chút manh mối hiện vật nào liên quan, khiến hậu thế phải mò mẫm và đi vào đường cụt.

Như vừa qua bộ phim Huyền Sử Vua Đinh đã làm trang phục quá nhiều sai sót. Mình tham khảo hiện vật trang phục các triều đại bên Trung Quốc cùng thời kỳ với Việt Nam vào giai đoạn này và may mắn còn sót lại vài hiện vật ít ỏi như ghi chép của sứ Tống và những miếng gạch thời Lý, Trần đối chiếu mà phỏng đoán để mọi người thêm kiến thức và cái nhìn chính xác về trang phục thời kỳ này.

Điểm qua đôi điều về trang phục từ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê

Sau chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt (938) Ngô Quyền đã xưng vương, lập thành một vương quốc độc lập, là một việc có ý nghĩa to lớn. Rất tiếc là triều đại nhà Ngô không tồn tại được lâu (Ngô Quyền mất năm 944) nên chưa làm được nhiều việc. Dù vậy Ngô Vương cũng đã đặt ra các chức quan văn võ, quy định các nghi lễ trong triều và đặc biệt đã quy định về màu sắc phẩm phục quan lại các cấp …

Trang phục nhà Ngô

Qua những bức tượng Ngô Quyền thì ở một số nơi, thấy có những khác biệt về trang phục của những tượng này: Trên áo tượng thì mang bổ tử (như tượng ở đình Hàng Kênh, Hải Phòng), tượng khác lại không. Tuy nhiên tất cả đều cùng là một loại long bào, có trang trí rồng, cổ tròn, tay thụng và đặc biệt đều cùng một loại mũ hai nấc, có hai cánh chuồn tròn, hơi chếch lên và hướng về phía trước (những chi tiết này gợi ý cho biết có thể tượng được tạc muộn hơn nhiều thế kỷ. Vì đến thời Hậu Lê mới thấy nhắc đến những qui định về bổ tử, về kiểu mũ. Hoặc ngược lại, phải chăng việc dùng bổ tử và việc thiết kế cánh chuồn đã có từ lâu nhưng đến thời Lê mới cải tiến thêm).

Trang phục nhà Đinh

Đến triều đại nhà Đinh (968-980), về trang phục, sử sách đời sau chỉ nhắc đến một số ít hiện tượng như: (năm 974), quân lính “đều đội mũ chỏm bằng, bốn bên hình vuông. Mũ làm bằng da, bốn cạnh khứu lại, trên hẹp dưới rộng, gọi là mũ tứ phương bình đính”. Đã có áo giáp. Hoặc “Năm Thái Bình thứ sáu (975) Đinh Tiên Hoàng định phẩm phục của các quan văn võ”. Hoặc (năm 980) trong một bức thư của nhà Tống gửi cho triều đình ta có nói tới việc nhân dân ta thời đó đều cắt tóc ngắn. Hoặc có nhắc đến mũ của các đạo sĩ là màu vàng, áo của các nhà sư là màu thâm, các quan được dùng ấn vàng thì thắt lưng dải tím, được dùng ấn bạc thì thắt lưng dải xanh…

Trang phục nhà Tiền Lê

Sang thời Tiền Lê (981-1009), vua Lê Đại Hành lên ngôi mặc áo long cổn, về sau áo mặc thường dùng vóc đỏ, mũ trang sức trân châu. Quân đội thường trực của triều đình (gọi là quân túc vệ hoặc thân quân) thích vào trán ba chữ ”Thiên tử quân”…

Như vậy, về trang phục thời kỳ này, tư liệu và di vật rất hiếm. Kể cả tiếp sau, các tư liệu thành văn cũng chỉ chủ yếu nói đến trang phục triều đình (tên mũ, tên áo, màu sắc… nhưng lại không miêu tả tỉ mỉ, cặn kẽ).

Có thể nói, trong vài chục năm trị vì, các vua Ngô, Đinh, Lê dù sao cũng đã dành một sự quan tâm đến lĩnh vực trang phục, đặc biệt là trang phục triều đình mà nhìn chung ít nhiều có sự kế thừa hoặc sáng tạo về loại hình, kiểu cách, màu sắc. Ngoại trừ Lê Ngọa Triều (1006) cho đổi lại phẩm phục các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống. Trên thực tế trong những thời kỳ chế độ phong kiến ổn định thì trang phục cũng theo đó dần dần được qui thức hóa đối với từng thành phần xã hội (vua, quan, dân; hoặc trong cưới, tang, lễ, hội…). Căn cứ vào kiểu thức, màu sắc, họa tiết… ở từng giai đoạn, sự phân biệt mang tính giai cấp được hình thành rõ rệt.

Tham khảo thêm bộ sưu tập hình ảnh về trang phục thời kỳ này:

Nguồn: Văn Trần Bảo, Đại Việt Kỳ Nhân, Y hồn sắc Việt