Ai đã quên ước muốn của Bác Hồ?

Darkrose

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Nhìn vào những ước muốn của Bác Hồ, chúng ta có thể thấy hình ảnh thiết tha thực của nhà hiền triết phương Đông. Bác Hồ như cụ Chu Văn An, cụ Nguyễn Trãi,... mong muốn cuộc sống gắn liền với "non xanh, nước biếc", là "câu cá, trồng hoa". Đó là tình yêu thiên nhiên, màu xanh tỏa nắng và nước trong mát, Bác Hồ không muốn đứng cao vời vợi giữa quảng trường mênh mông đầy nắng và gió, Người muốn chúng ta, con cháu ngày nay, trẻ già đều có cơm no áo ấm và luôn được học hành.

Ảnh chụp màn hình: Cơm chan nước mì tôm của học sinh xã É Tòng - Thuận Châu, Sơn La.

Nếu nhìn bữa cơm của học sinh xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đang ăn, liệu chúng ta có thể yên lòng, có thể cổ vũ ý tưởng của chính quyền tỉnh này dành hàng ngàn tỷ cho sự hoành tráng của trụ sở cơ quan, quảng trường và tượng đài? Thu hút du lịch là một trong các lý do được lãnh đạo Sơn La lý giải, liệu du khách đến Sơn La chỉ quẩn quanh khu vực quảng trường, vào thăm văn phòng cơ quan tỉnh hay người ta sẽ tìm đến sự độc đáo của thiên nhiên và con người nơi đây? Đi xa khu vực cơ quan tỉnh, chúng ta nhìn thấy những ngôi trường rách nát, những con đường gập ghềnh, những cây cầu có thể bị lũ cuốn bất kỳ lúc nào, liệu du khách có hứa sẽ trở lại thăm Sơn La một lần nữa?

Xây dựng tượng đài tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc cần làm, nhưng không thể làm vội vã với nhận thức hạn hẹp về một vĩ nhân đã được cả thế giới công nhận. Tại Vương quốc Anh, nhà báo Pet-ghi Đap-phơ viết trên tờ Diễn đàn: “Hồ Chí Minh, một người vừa là G. Oasinhtơn, vừa là A.Linhcôn của đất nước mình". Tuần báo Time (Hoa Kỳ) bình chọn “Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20”; Tờ Time đã nhận định “ông (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là người đã góp phần làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ hai mươi".

Có một câu thơ nổi tiếng được xem là của Jean-Paul Marat (nhà cách mạng người Pháp) mà nhiều người, trong đó có nhà thơ Tố Hữu đã mượn ý khi viết bài thơ “Hãy đứng dậy”: “Người ta lớn bởi vì người cúi xuống”. Bác Hồ đã “cúi xuống” để đất nước và dân tộc lớn lên, Người đã “cúi xuống” một cách bình thản trong “căn nhà nho nhỏ” “để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (Trích di chúc của Hồ Chủ tịch). Vậy thì dựng tượng đài Bác một cách hoành tráng có phải là đi ngược với quan niệm của nhân loại và cũng là mong muốn của Bác? Tượng Hồ Chủ tịch được dựng tại nhiều nơi trên thế giới, từ Cu ba, Venezuela đến Pháp, Nga, Ấn Độ… Đó mới là điều thể hiện tầm vóc vĩ đại của Người chứ không phải sự hoành tráng của bức tượng cao hàng chục mét như một số người suy nghĩ.

Ảnh: Tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài giữa một rừng cây.

Đã đến lúc cần nói thẳng với nhau, rằng sự hoành tráng của tượng đài và quảng trường nơi đặt tượng Bác hoàn toàn không đúng với ý muốn của Người. Bác muốn “một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa”, một khung cảnh mà “cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu” đều có thể gần gũi bên Người. Xây quảng trường, dựng tượng đài vượt quá trình độ và năng lực địa phương là để tôn vinh Bác hay còn để lưu danh hậu thế người đã có ý tưởng và trực tiếp chỉ đạo thi công công trình?

Thủ tướng yêu cầu Sơn La báo cáo việc xây tượng đài Bác Hồ

Dù quan điểm nêu trong bài báo có gì đó huyền bí chưa thể giải thích nhưng cũng không dễ bác bỏ bởi đó là sự đúc kết kinh nghiệm sống qua hàng ngàn năm. Theo thiển ý của người viết, trên cả nước chỉ nên chọn 9 địa điểm để dựng tượng Bác, đó mới là tôn kính, đó mới thể hiện sự hiểu biết những triết lý sâu xa mà nhờ nó dân tộc Việt trường tồn.

Những con số lớn hơn 9 đều là số được ghép bởi các số cơ sở, đó không phải là số gốc, trong các số "gốc" số 9 là lớn nhất. Những tượng đài hoành tráng mà chúng ta đã, đang và sẽ làm để tỏ lòng biết ơn Người liệu có trái với sở nguyện của Người? Liệu chúng ta có nên cứ làm theo suy nghĩ của mình chứ không phải suy nghĩ của Người? Sinh thời, Người sống trong ngôi nhà sàn bằng gỗ giữa một vườn cây, nghe tiếng gió lùa qua tán lá và ngắm cá dưới ao, thiên nhiên không thể thiếu trong giây phút thư giãn của Người. Thiết nghĩ, những khu vực xung quanh tượng đài Bác Hồ đã xây dựng và những nơi dự định xây tượng trong tương lai phải làm theo những gì Bác mong muốn, phải bảo đảm có "non xanh, nước biếc", với quy mô "một cái nhà nho nhỏ" chứ không phải lầu son, gác tía. Quên điều đó cũng có nghĩa là quên lời căn dặn của Người trước lúc đi xa.

*Tài liệu tham khảo: [1] http://nld.com.vn/cau-chuyen-hom-nay/tu-hao-co-bac-ho-20090519012149482.htm [2] Thế giới trìu mến gọi tên Người, nguồn "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh" (NXB Thanh Niên-1975); Tạp chí Tuyên truyền của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, 1990, số Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác. [3] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/3-chu-tich-ho-chi-minh-va-nuoc-my [4] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ma-phuong-Khoa-hoc-huyen-bi-phuong-dong-post139065.gd