Darkrose

Rau má từ lâu được biết đến là loại rau tốt cho sức khỏe. Vì thế nhiều người vẫn ép nước rau má uống hàng ngày. Vậy nhưng uống nước rau má mỗi ngày có tốt không?

Đặc điểm và tác dụng của cây rau má

Cây rau má còn gọi là tích huyết thảo. Tên khoa học Centenlia asiatica (L.) Urb., (Hydrocotyle asiatica L., Trisanthus cochinchinensis Lour.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).

Uống nước rau má mỗi ngày có tốt không là vấn đề nhiều người quan tâm

Rau má là loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu, thân gầy, nhẵn. Lá hình mắt chim, khía tai bèo...

Cây rau má mọc hoang tại khắp nơi ở Việt Nam và các nước vùng nhiệt đới như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ…

Nhân dân ta coi vị rau má là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, có tính chất giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, lợi sữa.

Tại một số nước, người ta chú ý nghiên cứu rau má để tìm tác dụng chữa bệnh phong và bệnh lao.

Theo tập san Societe des amis du parc botanique de Tananarive, 1941 và 1942 tại Mangat, người ta dùng rau má chữa phong có kết quả tốt hơn chế phẩm của đại phong tử. Năm 1949, Lythgoe và Tripper đã nghiên cứu tác dụng chữa phong của xentolozit.

Ngoài ra, chất chế từ asiaticozit có tác dụng chống vi trùng lao.

Uống nước rau má mỗi ngày có tốt không?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, rau má mặc dù an toàn nhưng không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ. Lượng dùng cho một ngày của một người bình thường được các nhà khoa học khuyên dùng là 1 cốc nước rau má, tương đương 40g rau má. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 1 tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.

Rau má cũng có tác dụng làm giảm tác dụng an thần khi dùng với các loại thuốc cảm lạnh và ho, hoặc khi uống rượu. Dùng quá nhiều rau má và kéo dài có thể gây biến chứng cho một số tế bào máu, tế bào gan, tế bào thận.

Rau má là loại rau tính hàn, công dụng giải nhiệt. Nhưng sử dụng nhiều cũng dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy. Đặc biệt với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy. Những trường hợp này chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống.

Ngoài ra trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.

Thảo mộc này cũng có thể dẫn đến sẩy thai nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai. Do vậy, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng nên tránh dùng loại rau này.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho vấn đề "Uống nước rau má mỗi ngày có tốt không?" rồi chứ./.