Gan là bộ phận có diện tích lớn nhất trong cơ thể, do đó bạn có thể nhận biết một số dấu hiệu bệnh lý thông qua vị trí đau gan. Dưới đây là thông tin về một số vị trí đau gan mà bạn nên lưu ý, tuyệt đối không bỏ qua vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm nào đó.
Gan nằm ở đâu trên cơ thể người?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, nặng khoảng từ 1,2 đến 1,5kg và chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể. Gan có hơn 500 chức năng khác nhau bao gồm đào thải độc tố, chuyển hóa các chất béo, bột đường và protein thành chất cơ thể sử dụng được, sản xuất mật,... Khi gan tổn thương, cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực và việc đau gan có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến gan, tuy nhiên khó xác định được vị trí và nguyên nhân cụ thể của cơn đau gan.
Trong cơ thể, gan nằm bên phải ổ bụng, đằng sau các xương sườn, bên dưới cơ hoành, dưới vòm hoành phải nhưng có một phần lấn sang trái, bên dưới vòm hoành trái và vùng thượng vị. Vị trí của gan tiếp giáp với nhiều cơ quan bên trong cơ thể, phía bên trái giáp với dạ dày, phía sau giáp với thận phải và phía dưới giáp với ruột non và ruột già. Vì vậy, nếu có cơn đau từ vị trí của gan thì sẽ rất khó xác định là vị trí đau gan do gan hay do những bộ phận tiếp giáp xung quanh.
Nhìn chung, dựa vào vị trí của gan, nếu bạn bị đau ở vùng hạ sườn phải hoặc vùng bụng trên bên phải thì có thể nghi ngờ bị đau gan. Một số trường hợp, vị trí đau gan có thể lan ra sau lưng hoặc lan đến vùng bả vai bên phải do sự to ra của gan gây kích thích cơ hoành.
Tương tự như những cơn đau khác, đau gan cũng có nhiều trạng thái, bạn có thể cảm thấy đau nhói hoặc âm ỉ nhưng cũng có trường hợp đau dữ dội, đau buốt đến mức khó thở trong gan hoặc xung quanh vị trí đau gan.
Vị trí đau gan liên quan đến bệnh lý gì?
Chế độ sinh hoạt không khoa học kết hợp với sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích quá nhiều có thể khiến nguy cơ khởi phát đau gan tăng cao.
Viêm gan do virus
Viêm gan do virus có vị trí đau ở phía trên bên phải của bụng và có nhiều dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, buồn nôn, mệt mỏi,...
Viêm gan do rượu
Vị trí đau gan do rượu thường có thể khiến bụng cảm thấy khó chịu, bạn cũng có thể chán ăn, buồn nôn, sốt nhẹ và mệt mỏi.
Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ do thừa cân, sử dụng thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao hoặc mắc đái tháo đường. Triệu chứng của bệnh thường khó nhận biết, nhưng vị trí đau gan có thể ở phần bên phải của bụng.
Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis
Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis là biến chứng của bệnh viêm vùng tiểu khung thường gặp ở phụ nữ. Mặc dù hiếm xảy ra, nhưng khi mắc bệnh có thể gây viêm nhiễm cho các mô xung quanh gan và ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Vị trí đau gan cảnh báo căn bệnh ở vùng hạ sườn phải, thường có cơn đau đột ngột, dữ dội và tăng cường khi ho, cười, hít sâu hoặc thay đổi tư thế. Có trường hợp người bệnh xuất hiện cơn đau lên bả vai phải, kèm theo triệu chứng như rét run, sốt, đổ mồ hôi trộm, buồn nôn.
Áp xe gan
Áp xe gan hoặc nang gan thường do tình trạng nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm khuẩn gây ra và hình thành các ổ mủ trong gan. Triệu chứng của tình trạng áp xe gan bao gồm khó chịu ở vùng bụng trên phía bên phải, sốt, ớn lạnh,...
Nếu phát hiện tình trạng này, cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng gan phì to bất thường. Nang gan có thể xuất hiện ổ chứa dịch trong gan, đây là khối u gần như lành tính nhưng khi quá lớn sẽ gây cảm giác đầy bụng. Trong trường hợp nang gan bị chảy máu, có thể gây ra cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng vai và bụng bên phải phía trên, là trường hợp nguy hiểm.
Gan bị tổn thương do chấn thương
Tổn thương gan là do đa chấn thương, có thể xảy ra khi người bệnh bị ngã hoặc tai nạn. Triệu chứng của tổn thương gan bao gồm cảm giác căng tức ở bụng và vai phải.
Ung thư gan
Vị trí đau gan cũng có thể là dấu hiệu ung thư gan. Tuy nhiên, việc nhận biết ung thư gan ở giai đoạn đầu rất khó vì triệu chứng không rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, cơn đau gan lan rộng đến phần vai và kèm theo các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, sút cân không kiểm soát, vàng da, sưng bụng. Bác sĩ có thể cảm nhận khối u bằng cách sờ và ấn vào vùng bụng khi thăm khám.
Cần phải làm gì khi bị đau gan?
Nếu bạn cảm thấy đau vùng gan nhẹ mà không có triệu chứng kèm theo, bạn nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để giảm tải cho gan như sau:
- Uống đủ nước khoảng 1,5 đến 2 lít mỗi ngày.
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ hay chất béo, tránh dùng thực phẩm có chất làm ngọt fructose.
- Vận động thường xuyên, tập thể dục khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, 3 đến 4 lần/tuần, kiểm soát cân nặng của bản thân và ngồi thẳng lưng.
- Tránh uống rượu, bia, các loại thuốc gây hại gan khi không cần thiết. Khi bạn bị đau gan, việc sử dụng thuốc phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau gan. Nếu nguyên nhân do virus, có thể cần sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn,...
- Bạn cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ giúp tăng cường chức năng gan theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn gặp các triệu chứng sau đây, nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị:
- Đau vùng gan dữ dội, không giảm đau bất kể tư thế.
- Da hoặc mắt bị vàng.
- Sốt, rét run.
- Nước tiểu có màu sẫm.
- Buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa.
Gan là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu gan có vấn đề thì dấu hiệu ban đầu cũng không được rõ ràng, vị trí đau gan cũng không quá đặc trưng. Do đó, khi vừa cảm nhận được cơn đau từ những vị trí nêu trong bài, bạn không nên phớt lờ mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra, từ đó nhanh chóng phát hiện bệnh nếu có và xử lý kịp thời.
Xem thêm: Viêm gan B là gì? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa