Cách viết hồ sơ xin việc để khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng với bạn, liệu bạn đã thực sự biết đến điều này? Cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết mà MISA MeInvoice chia sẻ sau đây.
1. Hồ sơ xin việc là gì?
Hồ sơ xin việc là loại giấy tờ không thể thiếu khi người lao động ứng tuyển vào một vị trí bất kỳ của công ty hoặc doanh nghiệp. Ngày nay, hồ sơ xin việc tồn tại ở hai dạng là hồ sơ xin việc trực tuyến và hồ sơ giấy. Những nhà tuyển dụng sẽ nhận hồ sơ trực tuyến tại website của công ty hoặc kênh mà công ty đăng tuyển dụng, sau đó mới nhận bản hồ sơ phô tô.
Đối với hồ sơ online: ứng viên có thể nộp qua thư điện tử hoặc ứng dụng của website theo hướng dẫn của Nhà tuyển dụng.
Đối với hồ sơ giấy: ứng viên có thể mua những bộ hồ sơ in sẵn tại các nhà sách, tiệm photo. Sau đó tham khảo cách điền thông tin trong hồ sơ xin việc và mang đến địa phương đóng dấu xác nhận.
Lưu ý: Để tìm hiểu thêm một số thông tin cần biết về bộ hồ sơ xin việc, bạn hãy tham khảo bài viết xem thêm.
Xem thêm: [Mới] Bộ hồ sơ xin việc gồm những gì? Những quy định cần lưu ý
2. Những thông tin có trong hồ sơ xin việc
Trong một bộ hồ sơ xin việc của người lao động, cần phải cung cấp đầy đủ những loại giấy tờ dưới đây:
- 01 bản sơ yếu lý lịch tự thuật được công chứng tại địa phương đăng ký sổ hộ khẩu
- 01 đơn xin việc ( mẫu đơn xin việc có thể viết tay hoặc đánh máy)
- 01 CV xin việc mới nhất
- 01 giấy khám sức khỏe trong thời gian 6 tháng trở lại.
- Các loại bằng cấp, chứng chỉ bản photo
- 01 bản căn cước công dân, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu photo và công chứng
- 04 bức ảnh 4×6 (nền trắng hoặc xanh)
3. Cách viết hồ sơ xin việc đúng nhất
Để có thể thuận tiện theo dõi cách viết hồ sơ xin việc đúng nhất, MeInvoice sẽ trình bày các cách ghi hồ sơ xin việc đối với từng mẫu tương ứng.
3.1. Sơ yếu lý lịch tự thuật
Một bộ hồ sơ xin việc hợp lệ sẽ không thể thiếu sự hiện diện của sơ yếu lý lịch tự thuật. Sơ yếu lý lịch tự thuật là mẫu văn bản có sẵn trong hồ sơ xin việc, người lao động cần điền toàn bộ thông tin có trong mẫu sơ yếu lý lịch và dán hình thẻ. Khi viết sơ yếu lý lịch, người lao động cần đảm bảo được những thông tin ghi trong hồ sơ hoàn toàn chính xác vì có sự chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Trong một bản sơ yếu lý lịch sẽ có 3 phần nội dung bao gồm:
- Thông tin cá nhân
- Thông tin nhân thân
- Quá trình hoạt động và công tác trước đó
Lưu ý: Bạn có thể tham khảo mẫu sơ yếu lý lịch mới nhất hiện nay kèm bản download trong bài viết xem thêm.
Xem thêm: Mẫu sơ yếu lý lịch xin việc mới nhất hiện nay
3.2. Đơn xin việc
Hồ sơ xin việc thông thường sẽ có sẵn đơn xin việc cho người lao động điền thông tin, tuy nhiên hiện nay việc sử dụng những mẫu đơn xin việc đã không còn phổ biến như trước, thay vào đó là đơn xin việc viết tay hoặc đánh máy. Nội dung trong một đơn xin việc cần có như sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ.
- Tiêu đề là “ ĐƠN XIN VIỆC” ghi in hoa và nét đậm.
- Tôi tên: Ghi đầy đủ họ và tên của ứng viên.
- Ngày tháng năm sinh: ghi thông tin giống trong giấy khai sinh.
- Căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân số: ghi dãy số có trong CCCD hoặc CMND của bạn cùng với ngày cấp và nơi cấp.
- Hiện cư trú tại: ghi địa chỉ nơi bạn đang sinh sống và làm việc.
- Phần giới thiệu ngắn gọn cần đáp ứng được những thông tin là lý do xin việc, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và cho nhà tuyển dụng thấy được sự phù hợp của bản thân đối với vị trí đó.
- Gửi lời cảm ơn và ký tên.
3.3. CV xin việc
CV xin việc sẽ là yếu tố chính giúp nhà tuyển dụng đánh giá rằng bạn có phải là ứng viên tiềm năng mà công ty, doanh nghiệp đang tìm kiếm hay không. Để làm được điều này, việc trình bày nội dung CV sẽ rất quan trọng. Thông thường mỗi ứng viên sẽ có một cách thiết kế và trình bày CV riêng biệt, song song với sự sáng tạo đó thì ứng viên bắt buộc phải có những thông tin sau trong bản CV xin việc của mình:
- Ảnh chân dung của bản thân: Chọn ảnh rõ khuôn mặt, tươi tắn và được chụp không quá 6 tháng.
- Vị trí ứng tuyển: Ghi theo thông tin vị trí mà nhà tuyển dụng đã đăng.
- Thông tin cá nhân: Nêu đầy đủ họ tên, số điện thoại, địa chỉ liên lạc.
- Mục tiêu nghề nghiệp: Nêu quan điểm và những điều mong muốn bản thân làm được trong công việc liên quan đến vị trí ứng tuyển. Nên chia ra mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn để nhà tuyển dụng đánh giá được mức độ phù hợp đối với ứng viên.
- Trình độ học vấn: Điền thông tin ngành học và trường học. Có thể nêu thêm một số khóa học ngắn hạn phục vụ cho công việc mà bạn ứng tuyển.
- Kinh nghiệm làm việc: Nêu những kinh nghiệm bạn đã đảm nhận trong quá khứ bao gồm thời gian gắn bó, vị trí và nội dung công việc.
- Kỹ năng: Ghi những kỹ năng phục vụ cho vị trí mà mình ứng tuyển như kỹ năng văn phòng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm,…
- Thông tin tham khảo: Nêu những thông tin về công việc cũ chứng minh được những thông tin trên bạn đã ghi là sự thật. Đồng thời cung cấp dẫn chứng và người giám sát trực tiếp của bạn khi còn làm việc tại công ty cũ (nếu có thể).
3.4. Giấy khám sức khỏe
Giấy khám sức khỏe sẽ là căn cứ khẳng định bạn có đủ khả năng sức khỏe để cống hiến và làm việc tại công ty, doanh nghiệp mà bạn đã nộp hồ sơ ứng tuyển. Một bản giấy khám sức khỏe hợp lệ cần có chữ kỹ và đóng dấu xác nhận tại bệnh viện - nơi mà bạn thăm khám. Bên cạnh đó, điều kiện để giấy khám sức khỏe hợp lệ đó chính là việc thăm khám của bạn diễn ra trong 6 tháng trở lại.
Trong bộ hồ sơ xin việc làm thường mẫu giấy khám sức khỏe không được sử dụng thay vào đó là ứng viên sử dụng mẫu giấy của cơ quan y tế nơi thực hiện thăm khám. Về cách điền mẫu giấy khám sức khỏe thì cơ bản giống như điền sơ yếu lý lịch, tại phần lý do thăm khám, ứng viên cần phải ghi là “xin việc làm”. Đối với phần tiền sử bệnh, ứng viên cần ghi thông tin chính xác tiền sử bệnh của bản thân và những người trong gia đình theo dạng có hoặc không.
Lưu ý: Tùy vào từng Công ty yêu cầu mà giấy khám sức khỏe có thể có hoặc không cần thiết.
3.5. Những loại giấy tờ khác
Bên cạnh những loại giấy tờ có sẵn trong hồ sơ xin việc, ứng viên cần chuẩn bị thêm một số loại giấy tờ là sổ hộ khẩu chứng thực, giấy khai sinh photo chứng thực, căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân photo chứng thực và bằng cấp, các chứng chỉ đạt được trong quá trình học tập và làm việc trước đó.
3.6. Bìa hồ sơ xin việc
Bìa hồ sơ xin việc là túi được thiết kế nhằm đựng tất cả các loại giấy tờ nêu trên. Bạn cần điền đầy đủ những thông tin bên ngoài bìa hồ sơ để nhà tuyển dụng có thể nhận diện thông tin của bạn. Nội dung ở bìa hồ sơ xin việc bắt buộc phải có 3 phần như sau:
- Tên hồ sơ: “HỒ SƠ XIN VIỆC” cùng với vị trí mà bạn ứng tuyển.
- Thông tin cá nhân: Nêu họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại và địa chỉ liên hệ
- Hồ sơ gồm có: Nêu những loại giấy tờ có trong túi hồ sơ xin việc
4. Những lưu ý khi viết hồ sơ xin việc
Để những thông tin của bạn đã ghi trong hồ sơ xin việc đến đầy đủ với nhà tuyển dụng, bạn cần lưu ý những điều sau khi viết hồ sơ xin việc:
- Những thông tin được ghi trong hồ sơ xin việc là hoàn toàn chính xác, không có sai sót.
- Trình bày nội dung ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu, tránh trình bày lan man, dài dòng.
- Không được có lỗi sai chính tả và ngữ pháp trong hồ sơ xin việc.
- Kiểm tra kỹ những loại giấy tờ cần có trong hồ sơ xin việc, tránh việc thiếu sót bổ sung.
5. Lời kết
Cách viết hồ sơ xin việc sẽ trở nên dễ dàng khi bạn đọc được bài viết này. MeInvoice hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc viết và trình bày hồ sơ xin việc đúng cách. Bên cạnh đó, nếu bạn đọc thấy bài viết hữu ích thì có thể chia sẻ lên trang cá nhân của mình để những người khác cùng tham khảo.