Trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không? [Bác sĩ tiêm chủng trả lời]

Darkrose
Trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không? [Bác sĩ tiêm chủng trả lời]

Phát ban là tình trạng bệnh lý ngoài da vô cùng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh do hệ thống miễn dịch niêm mạc và da của trẻ còn rất non nớt, hàng rào bảo vệ da vô cùng mỏng manh, không đủ khả năng chống lại sự tấn công và xâm nhập của các nhân tố bên ngoài môi trường. Vậy, nếu chẳng may trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không? Những trường hợp phát ban nào được tiêm phòng và những trường hợp nào không được tiêm? Trẻ bị phát ban sau tiêm phòng cần được chăm sóc như thế nào?

BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo - Quản lý Y khoa vùng 4 - Hồ Chí Minh, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng phát ban ở trẻ, cần xác định đúng nguyên nhân gây ra phát ban trước khi đưa ra những quyết định tiêm chủng cho trẻ. Nếu phát ban do viêm da tiến triển, nhiễm trùng cần được hoãn tiêm cho đến khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt. Đối với trường hợp viêm da mạn tính hoặc dị ứng tái phát nhiều lần cần được bác sĩ thăm khám và đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi quyết định về việc tiêm vắc xin. Tốt nhất, trẻ bị phát ban nên được phụ huynh đưa đến các cơ sở tiêm chủng, y tế hoặc bệnh viện để được các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh lý và khuyến cáo tiêm vắc xin phù hợp.”

trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không

Các nguyên nhân khiến trẻ bị phát ban

Phát ban là sự thay đổi bất thường về kết cấu hoặc màu sắc của da. Vùng da bị phát ban thường là vùng da bị kích ứng hoặc sưng tấy, gây ngứa, đỏ, đau hoặc có thể gây khó chịu. Một số dạng phát ban có thể biểu hiện dưới hình thái của mụn nước hoặc các mảng da thô ráp, sần sùi, mấp mô, da không đều màu… Bất cứ ai cũng đều có thể bị phát ban và hầu như tất cả mọi người đều bị phát ban ít nhất một lần trong suốt cuộc đời. Phát ban thường gặp nhất ở trẻ em với các nguyên chính như sau:

  • Hăm tã (viêm da do tã): Đây là tình trạng phát ban màu đỏ tươi thường phát triển khi da của trẻ tiếp xúc với tã bị dính chất thải hoặc thậm chí mặc tã quá lâu với tần suất dày đặc trong một khoảng thời gian dài, khiến độ ẩm trên vùng da mặc tã tăng cao, gây ra tình trạng kích ứng ở vùng da tiếp xúc với tã và các vùng da xung quanh dẫn đến nhiễm trùng và nhiễm nấm. Việc mặc tã thường xuyên và vệ sinh không đúng cách cho trẻ có thể tạo môi trường thuận lợi cho nấm Candida (1), đây là một loại nấm thường cư trú trên da, trong miệng, đường tiêu hóa và âm đạo, thường không gây hại. Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định, Candida có thể phát triển quá mức trên màng nhầy và vùng da ẩm ướt, thường gây phát ban màu đỏ tươi cùng các đốm đỏ nhỏ ở nếp gấp da hoặc ở rốn. Loại phát ban này khiến trẻ khó chịu và thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cũng không ảnh hưởng đến an toàn, hiệu quả khi tiêm chủng vắc xin, có thể áp dụng các biện pháp kháng viêm, vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên thay tã, sử dụng tã thấm hút tốt, thoáng mát…
  • Viêm da tiết bã: Là tình trạng phát ban có bề mặt da bị ảnh hưởng bị đóng vảy màu đỏ và vàng, thường xuất hiện trên đầu và nếp gấp da, đôi khi có vảy màu vàng sau tai và nổi mụn đỏ trên mặt trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi hoặc xuất hiện trên vùng mặt ở trẻ em và người lớn như lông mày, sống mũi và các nếp gấp da ở hai bên mũi. Tình trạng viêm da tiết bã thường lành tính và thường tự biến mất khi trẻ được 6 tháng tuổi nếu trẻ được chăm sóc tốt. Khi triệu chứng tiến triển tăng dần cần cho bé đến khám Bác sĩ để được kê toa thuốc, các loại thuốc có thể được kê toa tùy theo mức độ và độ tuổi của trẻ như thuốc mỡ chống nấm, corticosteroid, thuốc ức chế calcineurin…
  • Viêm da cơ địa/viêm da dị ứng (bệnh chàm): Đây là tình trạng phát ban biểu hiện qua tình trạng da có vảy thô, ửng đỏ, có thể có mụn nước và gây ngứa, thường xuất hiện thành từng mảng ở bàn tay và cẳng tay. Tình trạng phát ban này thường diễn biến trầm trọng hơn khi thời tiết trở lên lạnh, độ ẩm không khí thấp, khô hanh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc chàm thường có xu hướng nổi mẩn đỏ, rỉ nước, đóng vảy trên mặt, da đầu, vùng mặc tã, bàn tay, cánh tay, bàn chân… Trẻ lớn hơn có xu hướng phát triển một hoặc một vài đốm, thường ở bàn tay, cánh tay, phía trước khuỷu tay hoặc phía sau đầu gối. Viêm da dị ứng thường do di truyền hoặc do biến thể gen ảnh hưởng đến khả năng giữ ẩm và bảo vệ da khỏi vi khuẩn, chất kích thích, chất gây dị ứng và các yếu tố gây hại khác bên ngoài môi trường, khiến chức năng của hàng rào bảo vệ da bị suy yếu. Tình trạng viêm da dị ứng này thường tái đi tái lại nhiều lần, có thể kéo dài đến suốt đời, có thể chăm sóc trẻ tại nhà để giảm thiểu triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ngoài da như sử dụng kem dưỡng ẩm, chống viêm, thuốc chống, cung cấp độ ẩm không khí ở mức lý tưởng để cân bằng độ ẩm da, cải thiện phản ứng miễn dịch của hàng rào bảo vệ da.
  • Nhiễm virus gây phát ban: Nhiễm trùng một số loại virus có thể gây ra tình trạng phát ban ở cả trẻ em và người lớn như rubella, tay chân miệng, thủy đậu, zona thần kinh, sởi…

Ngoài ra, trẻ bị phát ban có thể do một số nguyên nhân khác như do bị côn trùng tấn công (Muỗi, bọ chét, ve, chấy…), bệnh chứng trứng cá đỏ, chốc lở, nấm ngoài da, viêm da tiếp xúc, vảy nến, lupus ban đỏ, viêm mô tế bào, ghẻ…

bé bị phát ban có tiêm phòng được không
Để biết trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không, cần xác định nguyên nhân phát ban ở trẻ là gì

Trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không?

Đối với một số tình trạng phát ban lành tính, trẻ bị phát ban có thể tiêm phòng vắc xin nhưng cần phải thông qua sự thăm khám, tư vấn kỹ lưỡng và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa và các bác sĩ tiêm chủng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp phát ban sẽ có thể được bác sĩ chỉ định hoãn tiêm do phát ban cũng có thể là một trong những phản ứng dị ứng nặng sau tiêm một số loại vắc xin, điều này gây ra sự nhầm lẫn giữa phát ban trước đó và phát ban sau tiêm, cản trở quá trình chẩn đoán, phát hiện và xử trí kịp thời trong trường hợp phản ứng dị ứng phát ban xảy ra sau tiêm.

Một số trường hợp sau thăm khám các Bác sĩ đánh giá vẫn có thể tiêm ngừa. Chẳng hạn như khi trẻ bị nhẹ như ngứa, mẩn đỏ hoặc phát ban nhỏ, thậm chí trẻ bị dị ứng trên cơ địa hen suyễn hoặc phát ban do tình trạng viêm da cơ địa (bệnh chàm), trẻ hoàn toàn vẫn có thể tiêm phòng vắc xin. Nếu chàm chỉ nổi ở mặt hoặc một vài chỗ khác thì vẫn tiêm cho trẻ ở vị trí bắp tay hoặc đùi như thông thường, nếu nổi ở bắp tay, có thể tiêm ở đùi và ngược lại. Vì việc hoãn tiêm làm mất đi cơ hội phòng bệnh sớm của bé nên trừ trường hợp chàm nổi khắp người, không còn chỗ nào để tiêm thì mới hoãn tiêm.

Tuy nhiên, khi chẳng may bị chàm bội nhiễm, trẻ phải dùng kháng sinh hoặc khi bị chàm ở thể nặng, có thể trẻ phải dùng một số loại thuốc kháng viêm như corticoid, hay một số trường hợp nặng hơn trẻ phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch, đối với những trường hợp này, bác sĩ cần khai thác tiền sử dùng thuốc cũng như chủng loại sử dụng để có thể tư vấn và chỉ định vắc xin phù hợp cũng như hoãn tiêm nếu cần thiết cho đến khi sức khỏe của trẻ ổn định.

Đối với những tình trạng phát ban dạng viêm da do nhiễm trùng như phát ban do nhiễm trùng một số loại virus như virus Rubella, Morbillivirus, virus Varicella Zoster, Hepatitis A Virus, siêu vi trùng đường ruột Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71)… gây ra các bệnh lý nhiễm trùng virus gây biểu hiện phát ban ngoài da như Rubella, sởi, thủy đậu, zona thần kinh, viêm gan A, tay chân miệng… sẽ chống chỉ định tiêm ngừa vắc xin do tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng.

Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng cho trẻ em bị phát ban, phụ huynh cần thảo luận và tiếp nhận tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tiêm chủng nhằm đánh giá cẩn thận và chính xác tình trạng phát ban của trẻ, từ đó đưa ra quyết định có tiêm vắc xin hay không cùng chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Xem thêm: Bé thở khò khè có tiêm phòng được không?

trẻ phát ban có nên tiêm phòng
Tất cả các trường hợp phát ban đều cần được chẩn đoán chính xác trước khi quyết định về việc tiêm vắc xin

Cách chăm sóc trẻ phát ban sau khi tiêm phòng

Sau khi tiêm phòng, tương tự như các trẻ khác, trẻ bị phát ban cũng cần được ở lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút để được các điều dưỡng và nhân viên y tế theo dõi phản ứng sau tiêm về toàn trạng (niêm mạc, da, tinh thần), nhịp thở, tình trạng vị trí tiêm, các dấu hiệu cảnh báo phản ứng nặng sau tiêm. Nếu sau tiêm trẻ không phát ban nặng hơn, nhiều hơn hoặc lan rộng, da niêm hồng hào, không nổi mề đay, ngứa ngáy, tinh thần tỉnh táo, không li bì, không bứt rứt, không bị kích thích, hốt hoảng, khóc kéo dài, phù mạch, khó thở, tức ngực, thở rít, đau bụng hoặc nôn, đại tiểu tiện không tự chủ, lạnh tay chân, tụt huyết áp, ngất, co giật… có thể yên tâm đưa trẻ về nhà.

Tại nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ cẩn thận trong ít nhất 48 giờ tiếp theo về toàn trạng, tinh thần, nhịp thở, thân nhiệt, phát ban có trở nặng hay không, chỗ tiêm…, đặc biệt chú ý theo dõi về ban đêm, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế địa phương hoặc bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời ngay khi trẻ xuất hiện các tình trạng bất thường như:

  • Sốt cao trên 39 độ C;
  • Co giật hay mệt lả, gọi hỏi không phản ứng;
  • Tím tái, khó thở;
  • Trẻ quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ;
  • Trẻ bú kém, phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài hơn 1 ngày.
chăm sóc trẻ phát ban sau tiêm phòng
Mặc dù vắc xin là an toàn nhưng cũng như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm chủng, chính vì thế việc theo dõi và xử trí kịp thời các phản ứng phụ sau tiêm cần được chú ý thực hiện nghiêm ngặt, không được xem nhẹ mà lơ là

Đồng thời, phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần chăm sóc trẻ bị phát ban sau tiêm phòng cẩn thận bằng cách:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt nhằm hạn chế tối đa tình trạng phát ban trở nặng do phát ban nhiệt, đồng thời hỗ trợ cải thiện tình trạng sốt sau tiêm.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn (với trẻ lớn), ưu tiên cho trẻ tiêu thụ những món ăn dễ ăn, dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết như cháo, súp, canh, hạn chế cho trẻ tiêu thụ những thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp, đồ muối chua, thức ăn nhanh chế biến sẵn…, cho trẻ ăn nhiều rau củ quả tươi, mọng nước, giàu vitamin và khoáng chất.
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng phù hợp với cân nặng khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, quấy khóc. Không dùng Aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm quá liều Paracetamol ở trẻ.
  • Nếu tại vết tiêm xuất hiện tình trạng sưng, đau, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ. Trẻ bị phát ban vẫn cần bôi thuốc, kem dưỡng như thông thường để cải thiện tình trạng phát ban trên da, nhưng tuyệt đối không bôi lên vị trí tiêm, tránh gây nhiễm trùng vết tiêm vô cùng nguy hiểm. Đồng thời, khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng.
  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể của trẻ bằng nước sạch và khăn bông mềm sạch nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng vùng tiêm, tình trạng phát ban trở nặng, bội nhiễm phát ban…
bé bị phát ban có nên tiêm phòng
Nếu tình trạng phát ban của trẻ diễn biến bất thường, phát ban nhiều hơn, lan rộng, đậm màu hơn hay đổi màu lạ thường, cần báo ngay cho bác sĩ và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời

Thắc mắc “trẻ bị phát ban có tiêm phòng được không” đã được giải đáp. Hầu hết các trường hợp phát ban sẽ có thể hoãn tiêm vì phát ban là một trong những biểu hiện của phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau tiêm, điều này khiến việc chẩn đoán bị cản trở, dễ bị nhầm lẫn giữa các nguyên nhân gây phát ban. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp phát ban dạng viêm da, nhiễm trùng da, khi tiêm sẽ không đảm bảo an toàn tiêm chủng do tồn tại nguy cơ nhiễm trùng cao. Một số trường hợp viêm da mạn tính hoặc dị ứng tái đi tái lại nhiều lần sẽ được các bác sĩ thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có tiêm phòng vắc xin hay không. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ khám, xác định tình trạng phát ban là bệnh lý ngoài da thông thường, không ảnh hưởng đến đến an toàn và hiệu quả tiêm chủng, trẻ bị phát ban hoàn toàn có thể tiêm như bình thường nhưng cần được phụ huynh theo dõi chặt chẽ sau tiêm để đảm bảo rằng tình trạng phát ban của trẻ sau tiêm vẫn ổn định, không diễn biến bất thường.